Tin địa phương

Đà Nẵng: Hàng trăm héc ta đất bỏ hoang vì dự án treo, chậm tiến độ

Dù tài nguyên về đất đai dần bị thu hẹp, nhưng trên địa bàn huyện thuần nông như Hòa Vang hiện có tới hàng trăm héc ta đất nông nghiệp phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. Đất bỏ hoang là do ảnh hưởng các dự án (DA) treo, chậm tiến độ, các mỏ khai thác đất, đá xong không chịu hoàn thổ và đất đai bị bồi lấp, không có nguồn nước tưới tiêu… gây lãng phí đất đai trong khi người dân vẫn thiếu đất sản xuất…

Hàng trăm héc ta đất đồi núi bỏ hoang hóa quanh các mỏ khai thác đất ở Hòa Vang. Ảnh: NP

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 38ha đất sản xuất nông nghiệp không thể sản xuất được từ nhiều năm qua, do ảnh hưởng từ nhiều DA. Trong đó đáng chú ý là các DA nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1A, DA Khu dân cư phía Nam Cẩm Lệ, Khu dân cư tuyến đường ĐT 605, DA đường vành đai phía Nam Đà Nẵng…

Diện tích đất nông nghiệp trên bỏ hoang từ trước năm 2014 đến nay, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của gần 400 hộ dân, tất cả diện tích đất nông nghiệp này đều rơi vào tình trạng ngập úng, sỏi đá không thể canh tác sản xuất.

Từ năm 2014 đến nay, TP đã hỗ trợ cho người dân với mức 3.000 đồng/m2, UBND TP cùng các ngành chức năng đã kiểm tra thực tế, dự kiến sẽ cho thu hồi đất, để chuyển mục đích sử dụng, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể.

Tại xã Hòa Liên, cũng có hơn 20ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng tại 5 DA kéo dài nhiều năm nay. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này cũng rơi vào tình trạng ngập úng, hoặc mất nguồn nước tưới tiêu do kênh mương bị vùi lấp, không thể canh tác, ảnh hưởng tới đời sống hơn 100 hộ dân tại nhiều thôn, khu dân cư…

Còn ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, địa phương vốn là vùng “bán sơn địa”, nên có tới hơn 116ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, do không chủ động được nguồn nước tới tiêu; nhưng bức xúc nhất hiện nay, trên địa bàn xã hiện có 7 DA với gần 1.300ha đất các loại, đã quy hoạch nhiều năm nhưng vẫn “treo riết”. Song, theo quy định Luật Đất đai, các DA đã quy hoạch trên 3 năm, phải điều chỉnh lại quy hoạch, nếu không khả thi cần thu hồi.

Theo thống kê của HĐND huyện Hòa Vang, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện không sản xuất được có khả năng khắc phục là hơn 242ha, không thể khắc phục được để sản xuất hơn 237ha. Đất nông nghiệp không sản xuất được chủ yếu bị ảnh hưởng bởi triển khai thi công các DA dẫn đến bồi lấp ruộng đồng, hệ thống kênh mương, nguồn nước tưới tiêu. Toàn huyện có 9/11 xã đất nông nghiệp bị ảnh hưởng DA với tổng diện tích hơn 122ha. 6/11 xã có đất nông nghiệp không sản xuất được do không chủ động nước với tổng diện tích hơn 290ha.

Ảnh hưởng từ các mỏ khai thác đất, đá cũng đang là vấn đề nan giải cho nông dân. Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Nhơn, căn cứ đề án đóng cửa mỏ của UBND TP, toàn xã có 7 mỏ đất, đá tại thôn Phước Thuận đến hạn đóng cửa để cải tạo phục hồi môi trường, tuy nhiên rất khó có thể phục hồi lại hệ sinh thái ban đầu tại các khu vực khai thác mỏ này.

Hàng chục héc ta đất nông nghiệp bỏ hoang do ảnh hưởng từ D.A đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: NP

Từ năm 2010 đến nay, toàn xã có hơn 50ha đất nông nghiệp không sản xuất được do các doanh nghiệp khai thác đất, đá làm bồi lấp; thi công các DA, hạ thấp cao trình cải tạo đồng ruộng làm hơn 30ha đất nông nghiệp bị bồi lấp...

Năm 2018, UBND xã chỉ còn cách hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng cho người dân thôn Phước Thuận cải tạo được 5.000m2 đất nông nghiệp để trồng lúa, nhằm giúp bà con tháo gỡ tạm thời khó khăn; còn lại hàng chục héc ta đất nông nghiệp không thể sản xuất, UBND xã cũng đang đề nghị TP, huyện Hòa Vang và ngành chức năng cho chuyển đổi mục đích sử dụng; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp; hỗ trợ về vốn để người dân chuyển đổi ngành nghề sản xuất phát triển đời sống.

Theo thống kê, TP có 33 mỏ khai thác đất, đá đã đóng cửa do giấy phép khai thác hết hiệu lực, tuy nhiên vẫn còn có tới 9 mỏ không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Đây là vấn đề làm người dân sinh sống gần khu vực các mỏ rất bức xúc vì núi, đồi tại khu vực bị đào, khoét nham nhở không thể trồng cây gì được.

Qua công tác giám sát, HĐND huyện Hòa Vang chia thành 4 nhóm giải pháp gồm: Thu hồi đất; khai thác quỹ đất để bố trí tái định cư, quy hoạch khu dân cư, kêu gọi doanh nghiệp khai thác mặt bằng; chuyển sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ kênh mương, giếng đóng, cải tạo mặt bằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, giải pháp chủ yếu cần áp dụng là thu hồi hơn 120ha và hỗ trợ kênh mương, cải tạo mặt bằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 341ha.

Để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, HĐND huyện đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn huyện.

UBND huyện sẽ kiến nghị TP sớm có chủ trương và kế hoạch triển khai thu hồi nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng DA và hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai các biện pháp hỗ trợ kênh mương, giếng đóng, cải tạo mặt bằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do không chủ động nước, ảnh hưởng dự án, ảnh hưởng khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này mang lại chưa cao.

Tác giả: Nguyên Phê

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP