Kinh tế

Giày quốc dân Thượng Đình "thất thế" triền miên trước các thương hiệu khác, thời hoàng kim nay còn đâu?

Sở hữu quá khứ huy hoàng, nhưng giày Thượng Đình đang trong cảnh kinh doanh "ảm đạm" suốt nhiều năm liền, cho thấy sự "hụt hơi" trong cuộc đua cạnh tranh thị phần với các thương hiệu giày, dép khác trong nước.

Mới đây, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thượng Đình bị tạm hoãn xuất cảnh do công ty đang nợ thuế quá hạn 6,5 triệu đồng.

Sau đó, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Duy Tiên – Lý Nhân cũng đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Công ty Cổ phần giày Thượng Đình với số tiền cưỡng chế là hơn 6,5 triệu đồng.

Từ một doanh nghiệp lớn lên cùng thế hệ người Việt, Giày Thượng Đình giờ đây vẫn vướng trong những khoản nợ, khoản thua lỗ chất chồng. Thương hiệu vang bóng một thời giờ đây rơi vào khó khăn kinh doanh kéo dài.

Hoạt động kinh doanh ảm đạm

Kể từ khi niêm yết công ty trên sàn giao dịch UpCOM vào năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của công ty Giày Thượng Đình liên tục suy giảm. Công ty chỉ có lãi duy nhất vào năm 2022 với khoản lợi nhuận 117 triệu đồng.

Cụ thể, doanh thu "trồi sụt thất thường" khi sụt giảm từ mức gần 200 tỷ đồng của năm 2016 về mức 104 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương giảm gần một nửa. Con số này sau đó tăng nhẹ lên mức 109 tỷ đồng trong năm 2021 và 2022 nhưng tiếp tục lao dốc về mức 80 tỷ đồng trong năm vừa qua. 2023 cũng là năm doanh thu thấp nhất kể từ khi lên sàn UpCom tới nay.

Về lợi nhuận, các năm 2017-2019, công ty lỗ 13-17 tỷ đồng. Hai năm chìm trong dịch COVID-19 là 2021-2022, giày Thượng Đình ghi nhận mức doanh thu như nhau, không lỗ. Gần đây nhất vào năm 2023, Giày Thượng Đình tiếp tục báo lỗ hơn 5 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, tổng lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của nhà sản xuất giày dép này đã là 54 tỷ đồng.

Giải trình về tình hình kinh doanh lao dốc, ban lãnh đạo công ty cho biết trong năm 2023, đơn vị đã tích cực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát và chiến tranh thế giới, một số khách đã ngừng đặt hàng khiến số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Lịch sử quá khứ "huy hoàng"

CTCP Giày Thượng Đình, tiền thân là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957, chịu sự quản lý của Cục quân nhu - Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam). Sản phẩm sản xuất chủ lực của công ty là giày Thượng Đình.

Trong giai đoạn đầu thành lập, sản phẩm giày Thượng Đình phổ biến trong nước, đặc biệt tại thị trường phía Bắc. Thậm chí, giày Thượng Đình còn từng được xuất khẩu sang một số thị trường như Liên Xô (cũ), Đông Âu, Pháp và Đức.

Trong quá khứ, Giầy Thượng Đình đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ đồ bảo hộ của người lao động. Không chỉ thế, sản phẩm này còn được phụ huynh, học sinh ưa chuộng vì độ bền, rẻ. Đôi giày bata màu xanh của Thượng Đình đã trở thành sự lựa chọn phổ biến trong nhiều gia đình.

Từng là thương hiệu giày dép lớn tại Việt Nam, giống nhiều thương hiệu vang bóng một thời trong nước khác, Giày Thượng Đình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp sự thay đổi theo thị yếu người dùng. Các sản phẩm của công ty bị chê là kém thẩm mỹ và không được đầu tư bài bản dẫn tới đánh mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp giày dép trong và ngoài nước như Biti's, Nike, Adidas...

Tháng 3 năm ngoái, rapper HIEUTHUHAI vô tình "lăng xê" hãng giày này, khiến cụm từ "Giày Thượng Đình" trở thành một xu hướng mới trên TikTok. Mẫu giày sọc đỏ của Thượng Đình được các bạn trẻ săn tìm ráo riết dẫn tới tình trạng hết hàng trên một số sàn TMĐT.

Thời điểm đó, nhiều người kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu cho màn trở lại ngoạn mục của thương hiệu giày quốc dân. Tuy nhiên, niềm vui ngắn không kéo dài lâu, sự hứng thú với giày Thượng Đình nhanh chóng nguội lạnh.

Trải qua hơn 6 thập kỷ đầy thăng trầm, giày Thượng Đình đang ngày càng "hụt hơi" trước cuộc đua cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu giày khác khi kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ trong nhiều năm.

Tác giả: Thanh Huyền

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP