Giáo dục

Doanh nghiệp 'vênh' nhà trường, sinh viên nghề không có việc làm

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp nhận định sinh viên học nghề thất nghiệp do thiếu gắn kết giữa trường và doanh nghiệp dẫn đến đào tạo không đúng nhu cầu.

Hiện nay, nước ta có 1.979 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, các cơ sở này tuyển khoảng 2,2 triệu học viên. Theo số liệu năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, việc đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực. Cụ thể, ở trình độ cao đẳng và trung cấp, thực tế mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Con số này ở trình độ sơ cấp còn thấp hơn nhiều.

Trong khi đó, trước các thách thức lớn, giáo dục nghề nghiệp nước ta đặt mục tiêu đến năm 2020, 75% học viên có việc làm ngay sau đào tạo. Điều này chứng tỏ đào tạo nghề đang trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Nghịch lý này xuất phát từ việc đào tạo trong trường chưa sát với nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.

'Trường dạy A, doanh nghiệp cần B'

Tại hội thảo hợp tác Việt Nam - Anh Quốc trong giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1, NGƯT. TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp, nêu rõ thực trạng đào tạo gắn với doanh nghiệp ở nước ta.

Theo đó, trong tổng 1.979 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chỉ 483 cơ sở thuộc doanh nghiệp. Những cơ sở này chủ yếu đào tạo nhân lực cho chính doanh nghiệp đó.

Khảo sát phía doanh nghiệp và nhà trường cho thấy mức độ hợp tác giữa hai bên còn thấp. Phía doanh nghiệp, việc hợp tác thường xuyên chỉ ở mức 12,3%, còn lại là không hoặc thỉnh thoảng hợp tác.

Trong khi đó, từ phía trường, tỷ lệ hợp tác từ thường xuyên, thỉnh thoảng đến không lần lượt chiếm 32,8%, 60,3% và 6,9%. Hình thức hợp tác chủ yếu là doanh nghiệp tiếp nhận và hướng dẫn học viên trong quá trình thực tập.

Mức độ hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn thấp. Ảnh: Nguyễn Sương.

Lý giải mối quan hệ lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Hùng cho rằng doanh nghiệp không mấy mặn mà với công tác đào tạo. Tình trạng học viên học nghề ra trường thất nghiệp không hoàn toàn vì kém chất lượng. Trên thực tế, hai bên đang lệch nhau trong công tác đào tạo, trường dạy cái này nhưng doanh nghiệp lại cần cái khác.

“Trường dạy A, doanh nghiệp lại cần B. Trường không biết doanh nghiệp cần gì vì không tiếp cận được chủ lao động. Hai bên khó bắt tay nhau”, ông Hùng nói.

Ông cho biết thêm phần lớn doanh nghiệp tiếp xúc trường để tuyển sinh viên về làm việc chứ không tham gia từ đầu, tức từ khâu lên chương trình đào tạo. Vì thế, phía nhà tuyển dụng chấp nhận tuyển về rồi đào tạo thêm. Nhiều doanh nghiệp tuyển thẳng lao động phổ thông rồi tự đào tạo. Họ chọn phương án này vì nhiều lý do, bao gồm việc chỉ phải trả lương thấp.

Một số doanh nghiệp thậm chí sa thải người lao động sau 3-5 năm làm việc với lý do họ không được đào tạo chính quy, không thích ứng được sự thay đổi nhanh chóng trong ngành sản xuất.

Để gắn kết trường và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai một số biện pháp. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều vướng mắc.

Ông Vũ Xuân Hùng nhận định mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lỏng lẻo. Ảnh: Nguyễn Sương.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, bộ đặt ra yêu cầu hàng năm, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về nhu cầu lao động để bộ phối hợp các trường đào tạo sát nhu cầu. Việc này được giao đến từng địa phương. Song nhiều doanh nghiệp từ chối phản hồi vì nước ta không có chế tài nào buộc họ phải tuân thủ.

“Bộ đang tìm cách để gắn kết và sẽ có chính sách yêu cầu doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo”, ông Hùng thông tin.

Một bảng đầu tư dạy nghề, Anh thu lại 28 bảng

Ngoài khâu chính sách, bộ cũng nghiên cứu và áp dụng một số mô hình thành công trên thế giới nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, một số kết quả nghiên cứu, thí điểm, hợp tác quốc tế đã mang lại kết quả bước đầu. Trong đó, bộ hợp tác với Hội đồng Anh xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, phát triển các công cụ đảm bảo chất lượng tại 21 trường.

Hệ thống kỹ năng nghề của Vương quốc Anh cũng là mô hình đáng học tập, đặc biệt về việc gắn kết hai quá trình đào tạo và sử dụng lao động. Vương quốc Anh có 4 quốc gia. Chính sách về phát triển kỹ năng nghề được trao quyền cho mỗi nước nhưng vẫn có chung các tiêu chuẩn phát triển liên quan đến người lao động.

Anh quốc thành lập Doanh nghiệp địa phương (LEP) bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, doanh nhân cùng chính trị gia. Mỗi năm, LEP có thể tiếp cận khoản ngân quỹ 2 tỷ bảng của chính phủ.

Tổ chức này chịu trách nhiệm đảm bảo đào tạo kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương, cung cấp kinh phí đào tạo cho các ngành nghề ưu tiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chính phủ đánh thuế tất cả nhà tuyển dụng để tài trợ cho học nghề theo hình thức kiến tập nghề. Việc này được áp dụng từ tháng 4/2017, làm cơ sở cho những mục tiêu lớn hơn trong quá trình cải thiện kỹ năng nghề của lực lượng lao động nhằm tăng năng suất đồng thời đảm bảo hệ thống các kỹ năng được chuyển đến đúng doanh nghiệp cần nó.

Nó mang lại lợi nhuận cho cả người học lẫn doanh nghiệp. Ước tính, cứ mỗi bảng bỏ ra cho học nghề, Anh thu lại khoảng 28 bảng.

Bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc các chương trình giáo dục thuộc Hội đồng Anh, đánh giá giáo dục nghề nghiệp tại Anh thực sự mang lại giá trị cao cho xã hội, bao gồm chính người học, trường và doanh nghiệp.

Bà Hoàng Vân Anh cho biết với một bảng đầu tư cho dạy nghề, Anh thu lại 28 bảng. Ảnh: Nguyễn Sương.

Thành công này nằm ở mối liên hệ chặt chẽ giữa bên đào tạo và sử dụng lao động. Bà cho hay các doanh nghiệp ở Anh nhận định việc tuyển dụng đội ngũ công nhân lành nghề, qua đào tạo giúp họ tiết kiệm vốn đầu tư. Xuất phát từ nhu cầu của mình, doanh nghiệp chủ động gắn kết với trường.

Ngoài ra, đa phần nhà tuyển dụng nước này có tính trách nhiệm xã hội cao, tích cực bắt tay với cơ sở dạy nghề, từ khâu lên chương trình giảng dạy đến hỗ trợ thực tập. Các doanh nghiệp tham gia đặt tiêu chuẩn nghề nghiệp. Các trường dựa vào đó để lên chương trình đào tạo.

“Anh không có chế tài về gắn kết doanh nghiệp và trường. Thay vào đó, họ đầu tư xây dựng hội đồng ngành có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và trường. Họ đưa ra tiêu chuẩn, trường đào tạo, các doanh nghiệp nhỏ đi theo”, bà Vân Anh nói.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP