Sinh viên Trường ĐH Công đoàn. Ảnh: TG. |
PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhìn nhận, chủ trương trên là đúng đắn.
Dung hòa quyền lợi giữa cơ sở đào tạo và người học
Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (Nghị định 97) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục.
Từ việc ban hành Nghị định Nghị định 97 cho thấy, sự quan tâm của Chính phủ với hoạt động của hệ thống các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, giáo dục là dịch vụ công; trong đó, dù được khuyến khích xã hội hoá nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ giáo dục, quản lý và điều hướng hệ thống giáo dục quốc dân, hướng tới phát triển con người toàn diện và kiên định với chủ trương “không để ai ở lại phía sau”.
Tuy có hơi muộn nhưng PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, với sự ra đời của Nghị định 97 cho thấy sự lắng nghe của Chính phủ khi các cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng khó khăn.
Nghị định này dung hòa quyền lợi giữa cơ sở đào tạo và người học, đồng thời phản ánh sự khác biệt trong đầu tư đào tạo các khối ngành học, trình độ đào tạo khác nhau. Các mức trần học phí cơ bản được đánh giá là hợp lý, sát với thực tiễn hiện nay.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, với các mức cố định, có thể sẽ không được coi là hợp lý khi điều kiện sống, làm việc và yêu cầu đầu tư cho các khối ngành học thay đổi trong bối cảnh xã hội luôn biến đổi.
Dù đã có Nghị định 81/2021/NĐ-CP nhưng 2 năm qua, các cơ sở giáo dục cơ bản không tăng học phí, một mặt tuân thủ các quy định khác của Chính phủ, nhưng mặt khác cũng nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh kinh tế khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành.
PGS.TS Phạm Thị Huyền. |
Điều chỉnh học phí cần tính đến chỉ số giá tiêu dùng
Cùng với những quy định về học phí, Nghị định 97 2023/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quan tâm tới người học, gia đình của họ với các quy định liên quan tới chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho những đối tượng có liên quan; trong đó, khẳng định phổ cập tiểu học với việc miễn học phí đối với học sinh tiểu học ở trường công lập.
Tuy nhiên, thực tế, ở các thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để có được một suất học tại trường tiểu học công lập cũng không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, các quy định liên quan tới việc cấp bù học phí cho các đối tượng, dù đã có nhưng việc thực thi cũng không dễ dàng vì sẽ có các bên tham gia với nhiều thủ tục đi kèm và với các cơ sở giáo dục đại học công lập đã tự chủ thì việc áp dụng như thế nào cũng không đồng nhất giữa các trường với các cơ quan chủ quản khác nhau.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, chủ trương điều chỉnh học phí cần tính đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và ngân sách nhà nước và đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo là đúng đắn.
Qua đó, thể hiện tư duy thích ứng và khuyến khích các cơ sở giáo dục thích ứng với bối cảnh kinh tế xã hội từng thời kỳ, từng năm học. Tuy nhiên, Nghị định 97 dù có những quy định về học phí thay đổi theo các năm ở Điều 10 và Điều 11, song dường như mới sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI (dự báo) và ngân sách nhà nước, mà chưa thể hiện được căn cứ cụ thể tính học phí theo chi phí thực hiện dịch vụ đào tạo.
Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, việc thu học phí được thực hiện theo điều 12, tối đa 9 tháng với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 10 tháng với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp cũng là hợp lý với người học. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề với các cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là giáo dục mầm non, khi nhu cầu gửi con sẽ không phải là 9 tháng mà thường là cả 12 tháng, với các gia đình mà cha mẹ là cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp, cơ quan. |
Tác giả: Minh Phong
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn