Giáo dục

Đề xuất mua sách giáo khoa cho học sinh mượn: Liệu có khả thi?

Đề xuất dùng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần đang nhận về những ý kiến trái chiều.

Tại cuộc họp với các bên liên quan đến sách giáo khoa mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Đề xuất trên nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ tuy nhiên vẫn có những ý kiến lo ngại, băn khoăn.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Vân Hà, có con học lớp 11 tại Hà Nội, cho biết: “Thế hệ 7X chúng tôi ngày xưa không có khái niệm mua sách giáo khoa mà chỉ mượn sách ở thư viện nhà trường. Vì thế, sử dụng phải rất giữ gìn để hết năm học trả lại cho thế hệ sau dùng tiếp. Đây là cách nên được duy trì, đặc biệt ở vùng khó khăn”.

Chị Đặng Huyền Thương, du học sinh từ cấp THPT ở Mỹ, cho biết ở Mỹ không bắt buộc phải mua cả bộ sách giáo khoa với rất nhiều cuốn như ở Việt Nam, sách có thể mượn thư viện trường học, sử dụng bản mềm. Sách giáo khoa cũng không phải là tài liệu học tập bắt buộc vì giáo viên không chỉ căn cứ vào một cuốn sách giáo khoa cụ thể, duy nhất nào đó để giảng dạy. Do vậy, học sinh cũng không bắt buộc phải mua một bộ sách giáo khoa cụ thể nào, thư viện trường học có tất cả các bộ sách giáo khoa khác nhau và các tài liệu tham khảo, học sinh có thể mượn để học.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, thì cho hay ông đã chờ đợi đề xuất này từ rất lâu thay vì tranh cãi làm thế nào để hạ giá bán sách giáo khoa bằng các mệnh lệnh hành chính. Theo ông Khang, không nên chỉ nghĩ đến người nghèo hoặc người có điều kiện kinh tế khá giả để đưa ra giải pháp “cào bằng”. Nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với khả năng đa dạng của người dân.

Ông Khang nêu ý tưởng, bộ sách giáo khoa cấp độ 1 (giá cao): giấy tốt, in đẹp (4 màu)… để ai có khả năng thì có sách giáo khoa chất lượng cao để mua. Bộ sách giáo khoa cấp độ 2 (giá rẻ hơn): giấy rẻ hơn, in 2 màu… để người ít tiền hơn có sách giáo khoa giá mềm để mua. Nhà nước cấp ngân sách mua bộ sách giáo khoa cấp độ 2 trang bị cho thư viện trường học, người dân không có tiền mua sách giáo khoa thì mượn của nhà trường, cuối năm học trả lại cho thư viện trường. Ngoài ngân sách nhà nước, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng sách giáo khoa cho thư viện trường học, tủ sách dùng chung cho nhiều thế hệ học sinh.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)… cũng đề nghị đối với các trường miền núi, cần phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa trong các thư viện, giúp học sinh con các gia đình nghèo và dân tộc thiểu số có thể mượn sách, không phải mua sách.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cũng phân tích thực ra những mô hình thư viện trường học, tủ sách dùng chung đã được thực hiện từ lâu nay nhưng chưa được quan tâm thích đáng.

Nhân việc sách giáo khoa mới có giá thành cao thì cần phải thực hiện nghiêm túc những mô hình này, tận dụng những kinh nghiệm đã có từ thời trước để áp dụng, vừa tránh lãng phí sách giáo khoa cũ, vừa giảm gánh nặng cho người dân.

Học sinh có điều kiện và mong muốn mua sách giáo khoa để sử dụng thì đó là lựa chọn của gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa thì được cấp phát hoặc giảm giá bán; trường học bắt buộc phải có tủ sách dùng chung để học sinh nào có nhu cầu mượn sử dụng. “Cần có quỹ hỗ trợ về sách giáo khoa do phụ huynh và các nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp để nhà trường cho học sinh mượn, hoặc cho thuê với giá rẻ tùy điều kiện. Số tiền thu từ việc cho thuê sách giáo khoa này lại dùng để bổ sung, quay vòng cho quỹ để làm phong phú hơn tủ sách dùng chung đó”, ông Ân đề xuất.

Trong khi đó, khi được hỏi về đề xuất của Bộ GD&ĐT, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đây là một giải pháp “không giống ai”.

Theo ông Vương, trích ngân sách mua sách phát miễn phí cho học sinh thì hợp lý chứ nếu cho các thư viện mua vào rồi cho học sinh mượn thì sẽ không hiệu quả.

Ông Vương phân tích, sách giáo khoa không chỉ dùng ở trên lớp mà còn dùng ở nhà. Có thư viện nào chứa và quản lý số lượng sách giáo khoa lớn thế phục vụ toàn bộ học sinh ở tất cả các môn. Chưa kể với cơ chế một chương trình-nhiều bộ sách giáo khoa như hiện tại thì chuyện mỗi năm đổi một bộ sách là đương nhiên.

Cũng theo ông Vương, hãy thử tưởng tượng 10 môn là 10 bộ sách khác nhau. Trường có 1.000 học sinh, số lượng sách là bao nhiêu để học sinh mượn đủ, mượn thoải mái? Nên nhớ các trường hiện nay thư viện hoạt động rất...yếu.

Mặt khác, ông Vương cho rằng nhiều trường không có cả thủ thư và thư viện đúng nghĩa. Chỉ cần 30 học sinh mượn sách một ngày là thủ thư đủ “méo mặt” nói gì đến cả trăm, nghìn học sinh mượn liên tục sách giáo khoa.

"Đề xuất phương án này là bất khả thi. Trường có 1.000 em cho mượn 1000 bộ. Quản lý không đơn giản vì sau đó nếu hỏng, rách (học sinh chắc chắn sẽ làm hỏng) thì sao? Bắt đền? Nếu không đền thì sau đó sách này vứt đi? Sách giáo khoa nó là đồ dùng cá nhân. Rất hiếm khi học sinh vào thư viện mượn... sách giáo khoa”, ông Vương nói.

Về chuyện mua sách giáo khoa rồi phát miễn phí cho học sinh, ông Vương cho rằng ở nước ngoài, người ta làm từ lâu. Cái gì hay, dở người ta cũng đã tổng kết rồi. Mình cứ thế mang về mà dùng nguyên chiếc chứ mất công "chế" làm gì cho rắc rối.

“Làm kiểu tùy hứng không có tính toán chiến lược rất nguy hiểm vì vấn đề cũ chưa sửa được đã làm phát sinh vấn đề mới không lường trước”, ông Vương bày tỏ quan điểm với Tiền Phong.

“Tôi nêu quan điểm, chúng ta không nên làm thế. Chuyện mỗi trường có các bộ sách giáo khoa khác nhau của cùng một môn trong thư viện để giáo viên, học sinh tham khảo, đọc...khi cần lại là chuyện khác. Nó là bình thường”, ông Vương nói.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP