|
Đi không được, ở không xong
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhiều người dân ở tổ 11, 12, khu dân cư Mỹ Đa Tây 2, phường Khuê Mỹ, lo lắng vì sống dưới đường dây điện 220KV.
Bà Trần Thị Chín, 71 tuổi cho biết, gia đình có 18 nhân khẩu sống ở đây 30 năm. Năm 2016, từ khi dự án đường dây điện 220KV Đà Nẵng – Quận 3, được đưa vào hoạt động, người dân luôn sống trong tình trạng bất an.
“Vào mùa nắng, ban ngày có vẻ ổn, nhưng buổi đêm thỉnh thoảng nghe tiếng nổ và lửa xoẹt phía trên mái nhà. Riêng mùa mưa, tình trạng tiếng nổ và lửa xoẹt càng nhiều hơn. Mỗi khi mưa, chúng tôi lo sợ nên không dám bước ra khỏi nhà. Mùa mưa, chúng rôi run lắm!”, bà Chín nói.
"Mùa mưa, chúng tôi run lắm!", bà Chín nói. |
“Trước đây, chúng tôi sống rất vui vẻ, không chút lo lắng. Thế nhưng, từ khi đường dây điện này đi ngang trên mái nhà thì luôn nơm nớp lo sợ. Có lúc, mùa mưa, gia đình tôi cảm thấy như có nguồn điện giật trong nguồn nước nên đã trình báo đến cơ quan chức năng.
Phía đơn vị quản lý đến và bảo mọi thứ đều ổn, các chỉ số đúng quy định. Gia đình tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất được di dời đến nơi khác sống”, bà Phan Thị Phi, 62 tuổi, bức xúc.
Trong khi đó, ông Đặng Châu, 53 tuổi, chia sẻ, người dân sống ở khu vực này suốt 6 năm qua ngủ không yên giấc do đường dây điện cao thế đi ngang trên mái nhà. Đồng thời, các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, bóng điện… rất hay hư hỏng.
Chị Ngô Thị Thuỷ kể, do quá bất an khi sống dưới lưới điện cao thế, gia đình có ý định bán nhà chuyển đến nơi khác sống. Nhiều người đến xem, thấy nhà ở ngay dưới lưới điện cao thế nên không ai mua.
“Bây giờ, chúng tôi đi không được, ở cũng không xong. Người dân ở tổ 11 và 12 đều có một nguyện vọng duy nhất là được hỗ trợ di dời ra khỏi nơi nguy hiểm”, chị Thuỷ nói.
Bà Phi cũng như những người dân tổ 11, 12 khu dân cư Mỹ Đa Tây 2 mong muốn được di dời. |
Theo bà Bùi Thị Nhượng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Mỹ Đa Tây 2, trước đây, tổ dân phố 11, 12 là các tổ dân phố 27, 28, 33, 34. Người dân 2 tổ dân phố này nhiều lần làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đường dây điện xem xét, có chính sách hỗ trợ, di dời khỏi phạm vi nguy hiểm, đảm bảo an toàn lưới điện.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Tp.Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, bà cũng phản ánh vấn đề này và mong muốn có giải pháp để đảm bảo sức khoẻ của người dân sống dưới lưới điện cao thế.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Công Hoà, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cũng cho rằng, người dân sống dưới đường dây điện 220KV ảnh hưởng đến sức khoẻ. Địa phương rất quan tâm nhưng nằm ngoài khả năng.
Phía phường đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định và cũng kiến nghị Thành phố sớm di dời những hộ dân thực sự ảnh hưởng bởi đường dây điện.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoà, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn xác nhận, cử tri tổ dân phố 11, 12 phường Khuê Mỹ nhiều lần kiến nghị được di dời nhưng chưa được giải quyết. Trong trường hợp người dân được di dời, kinh phí do đơn vị quản lý là Công ty Truyền tải điện 2 hỗ trợ kết hợp với chính quyền địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Dũng, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho hay, dự án đầu tư xây dựng công trình Trạm biến áp 220KV Ngũ Hành Sơn và đường dây 220 KV Đà Nẵng – Quận 3, do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Công ty Truyền tải điện 2 điều hành, được triển khai phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực Tp.Đà Nẵng và được Bộ Công Thương phê duyệt.
Các hộ dân tại tổ 11, 12 phường Khuê Mỹ đều đáp ứng quy định pháp luật về an toàn điện nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220KV: mái và tường bao làm bằng vật liệu không cháy; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại đối với đường dây 110KV lớn hơn hoặc bằng 4m, đối với đường dây 220KV lớn hơn hoặc bằng 6m.
Đồng thời, cường độ điện trường nhỏ hơn 5KV/m tại điểm bất kì ở ngoài nhà cách mặt đất 1m và nhỏ hơn hoặc bằng 1KV/m tại điểm bất kì ở bên trong nhà cách mặt đất 1m. Cuối cùng, nối đất các kết cấu kim loại của công trình, nhà ở theo quy định về kỹ thuật nối đất.
Theo ông Dũng, các hộ dân tại tổ 11, 12 phường Khuê Mỹ đều đáp ứng quy định pháp luật về an toàn điện nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220KV. |
Khi công trình đưa vào sử dụng cũng như hàng năm đều có đơn vị tiến hành đo đạc cường độ điện trường ở khu vực này. Kết quả trị số cường độ điện trường đo đạc trong và ngoài nhà nhỏ hơn rất nhiều so với trị số cường độ điện trường cho phép quy định. Do đó, cường độ điện trường không ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Đồng thời, ông Dũng xác nhận, tnhiều lần nhận được phản ánh ảnh hưởng từ dự án đường dây điện 220KV của người dân. Tuy nhiên, đối chiếu các quy định hiện hành có thể khẳng định các công trình, nhà ở của người dân tại hai tổ dân phố 11, 12 phường Khuê Mỹ đáp ứng đầy đủ các quy định để tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không 220KV-110KV.
Cũng theo ông Dũng, Công ty Truyền tải điện 2 là đơn vị điều hành nên việc người dân di dời hay không, đơn không thể giải quyết được. Việc di dời, xem xét di dời người dân thuộc về chính quyền địa phương.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn