Giới trẻ

Cô ái khiếm thị người dân tộc Tày: Vượt lên số phận, cống hiến để không sống cuộc đời vô ích

Dù là người khiếm thị bẩm sinh, 25 năm qua chưa từng nhìn rõ nhưng bất chấp nghịch cảnh, cô gái Nông Thị Dung vẫn mạnh mẽ vượt qua, trở thành người truyền cảm hứng đến bao bạn trẻ khác.

Vượt qua khiếm khuyết

Cô gái Nông Thị Dung chia sẻ cùng PV ĐS&PL.

Dung là một cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tươi cùng giọng nói ngọt ngào. Dáng người Dung nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và một khuôn mặt luôn bừng sáng. Khó có thể biết, phía sau nụ cười ấy là không ít những khó khăn, nhọc nhằn mà cô gái trẻ đã phải trải qua.

Nông Thị Dung là cô gái dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở vùng núi Cao Bằng. Từ khi sinh ra, Dung đã không thể nhìn rõ mọi vật như những đứa trẻ khác. Cô chỉ nhìn được những đồ vật lớn khi trời sáng, vì vậy mọi sinh hoạt như học tập, đi lại, làm việc... của Dung đều trở nên khó khăn.

Khó khăn là thế nhưng cô và gia đình chưa bao giờ đầu hàng trước số phận. Khi học cấp 1, Dung được học với tư cách học sinh dự thính.

Thấu hiểu được những khó khăn cô con gái nhỏ phải trải qua, bố mẹ cô luôn là người đứng sau cổ vũ và động viên.“Mình cảm thấy cực kỳ may mắn khi được làm con của bố mẹ. Bố mẹ là người đi khắp nơi đến mượn từng cuốn sách dạy chữ nổi về cho mình học”, Dung ngậm ngùi chia sẻ.

Sau đó, Dung được chuyển xuống học tại trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi ở tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, Dung học lại từ lớp 2 với lý do không có học bạ.

Đến năm lớp 9 và cấp 3, Dung được chuyển xuống học tại trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây được coi là “ngôi nhà thứ 2” của Dung khi cô vừa học vừa làm. Mọi chi phí sinh hoạt hầu như đều do cô tự lo nhờ công việc xoa bóp bấm huyệt. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để Dung trang trải phần nào cuộc sống.

“Mình học vào 2 ngày cuối tuần, những ngày trong tuần mình làm việc để có thu nhập trang trải cuộc sống. Mùa đông không có nhiều khách, thu nhập giảm, lúc ấy mình mới xin bố mẹ tiền phí sinh hoạt”, Dung tâm sự. Ngay cả với một người bình thường tự lập sớm cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy mà, Dung đã làm được điều đó. Những việc Dung đang làm khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chịu thiệt thòi nhưng ở cô gái ấy không có suy nghĩ của sự tiêu cực. Trong mỗi hành động, lời nói của Dung đều toát lên năng lượng tích cực.

Khi được hỏi về lý do nhất quyết tìm đến con chữ dù bị khiếm thị, Dung chia sẻ: “Bố mẹ là người đã hướng mình đến con chữ. Bố mẹ nghĩ rằng chỉ có đi học mới có thể thay đổi được cuộc đời và cho mình nhiều cơ hội hơn. Mình biết ơn và luôn lấy đó làm động lực để cố gắng”.

Gieo mầm năng lượng tích cực cho cuộc đời

Sự cố gắng của Dung đã được đền đáp, cô đỗ vào ngành Công tác Xã hội, khoa Xã hội học của trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Hà Nội). Với Dung, đây là cơ hội để cô chuẩn bị hành trang để hướng đến tương lai. Kiên cường nhưng cũng có lúc Dung bị tổn thương vì những kỳ thị, nhưng cô buộc mình phải dần quen với điều đó để mạnh mẽ hơn.

Nếu cuộc đời thoải mái như một con đường lát gạch thì chẳng bông hoa nào có thể vươn lên để nở hoa. Khó khăn, khắc nghiệt trong cuộc sống cũng chính là mảnh đất để Dung trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và rồi sẽ có được những bông hoa rực rỡ cho riêng mình.

“Mình nhớ mãi câu chuyện đi xe bus, do khiếm thị nên mình có thể sẽ bị va phải ai đó khi tìm chỗ ngồi. Có người thông cảm, nhưng có người lại tỏ ra khó chịu và nói, “Bị như vậy ở nhà chứ ra đường làm gì cho khổ”. Câu nói ấy thực sự khiến mình tổn thương nhưng cũng quen dần”, gương mặt Dung bỗng chùng xuống khi chia sẻ với chúng tôi.

Vượt qua những lời kỳ thị và khiếm khuyết của bản thân, Nông Thị Dung trở thành một sinh viên có số điểm tích lũy của năm cao nhất lớp. Ngoài ra, 3 năm liền cô là Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở; Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố, do hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức. Đặc biệt, những năm tháng còn là sinh viên của trường, cô gái Nông Thị Dung còn là thành viên “chủ chốt” của câu lạc bộ hoa Đá Nhân Văn- Ngôi nhà chung của những thành viên khuyết tật và không khuyết tật giao lưu, cùng nhau lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.

Vào năm 2018, dưới sự tài trợ chính của Đại sứ quán Mỹ và trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, cô gái Nông Thị Dung và nhóm bạn đã vinh dự giành giải nhất của cuộc thi “Raise your voice - change your life”, nằm trong dự án Phát triển kĩ năng giao tiếp cho người khuyết tật. Đây cũng là khởi nguồn để cô ấp ủ những dự án giúp đỡ người khiếm khuyết.

Hiện tại, cô gái Nông Thị Dung đã ra trường với tấm bằng hạng Xuất sắc và đang là thực tập sinh tại trung tâm Nghị Lực Sống- một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật.

Vừa qua, dự án Đào tạo Kỹ năng xin việc cho sinh viên khiếm thị của Dung đã bước đầu thành công. Dung luôn cho rằng: “Việc bạn trông như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn đã làm gì cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Cuộc đời là của bạn, muốn nó tốt hay xấu do bạn quyết định. Mong rằng các bạn có khiếm khuyết đừng tự ti về bản thân, hãy mạnh dạn phá vỡ giới hạn an toàn của chính mình để khám phá và trải nghiệm”.

Có lẽ, nghịch cảnh đã tôi luyện cho cô gái nhỏ ý chí kiên cường, một tinh thần luôn lạc quan và mục đích sống tốt đẹp. Những thành quả Dung “gặt hái” được là “trái ngọt” cho sự cố gắng không ngừng nghỉ. Chia tay cô gái đầy nghị lực và nhiệt huyết Nông Thị Dung, chúng tôi thấy bản thân như vừa được truyền thêm sức mạnh. Năng lượng tích cực từ cô gái ấy có thể lan tỏa đến rất nhiều, đặc biệt là những bạn trẻ đang “đằm” mình trong “vũng lầy” của sự tự ti.

Khiếm khuyết một bộ phận trên cơ thể không có nghĩa là bản thân bạn vô giá trị trước cuộc đời. Mọi thứ trong cuộc sống như cốc nước đầy, đừng mãi tiếc nửa đã mất đi, hãy nghĩ rằng mình may mắn có một nửa cốc nước. Cuộc đời mỗi người như một bức tranh mà chính bạn là “họa sĩ”, bức tranh đa sắc màu hay u tối là do chính tay bạn “phác họa”.

Tác giả: Lê Nga

Nguồn tin: doisongphapluat.com

  Từ khóa: dân tộc Tày , khiếm thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP