Pháp luật

"Xử" ra sao vụ nhà hàng bị “bom” 150 mâm cỗ?

Liên quan đến vụ việc nhà hàng bị "bom" 150 mâm cỗ cưới, nhiều ý kiến cho rằng, chủ nhà hàng có thể khởi kiện đến tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người đặt cỗ cố tình không bồi thường thiệt hại và hai bên không thỏa thuận được với nhau.

Chiều 30/9, mạng hội xôn xao trước thông tin chủ nhà hàng tiệc cưới T.P. (phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên) bị khách đặt cỗ đám cưới "bùng" 150 mâm trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Theo chủ nhà hàng, khách đặt 150 mâm cỗ cùng rạp cưới vào chiều 30/9. Nhưng đến giờ đã hẹn, nhà hàng không thấy cô dâu, chú rể hay bất kỳ vị khách nào đến dự tiệc. Do khách hàng đặt cỗ là người quen nên chủ nhà hàng cũng không nhận tiền cọc trước khi làm cỗ. Ngay sau đó, nhà hàng đã trình báo với Công an phường Mường Thanh.

Vụ việc gây xôn xao dư luận.

Vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong giao dịch dân sự. Tình trạng đặt hàng nhưng không lấy hàng đã xảy ra trong xã hội hiện nay nhưng việc đặt cỗ cưới mà không đến ăn thì cũng...hiếm khi xảy ra. Trong vụ việc này, khách hàng đặt cỗ cưới nhưng không thực hiện hợp đồng làm chủ nhà hàng lâm vào tình trạng khốn đốn khi 150 mâm cỗ cưới vẫn còn nguyên mà không có người ăn. Sau đó, chủ nhà hàng đã kêu gọi cộng đồng mạng mua đồ ăn ủng hộ và chỉ thu về được số tiền nhỏ để bù đắp một phần thiệt hại”.

Cũng theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, do tin tưởng và quan hệ quen biết nên chủ nhà hàng đã chủ quan, chỉ giao kết bằng miệng mà không lập hợp đồng và nhận tiền đặt cọc để làm cỗ cưới nên thiệt hại xảy ra khi khách hàng không đến ăn. Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn…

“Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới bằng miệng vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.

Chúng ta có thể hiểu, việc bên bán hàng đã thảo thuận với bên mua hàng, hai bên đã thỏa thuận thành công nhưng khi khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng và thanh toán, thu tiền thi bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó. Khi thực hiện việc giao dịch việc đặt hàng đó có nghĩa là hai bên đã thỏa thuận với nhau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản cụ thể.

Nếu bên đặt hàng đã đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng đã đặt thì theo pháp luật dân sự, người đặt hàng đó đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng. Theo quy định pháp luật hiện hành thì bên đặt hàng sẽ phải buộc thực hiện việc nhận và thanh toán như đã thỏa thuận. Và phải chịu thêm chi phí bảo quản và vận chuyển phát sinh nếu có. Nếu chậm thực hiện việc nhận hàng mà hàng hóa có hư hỏng việc chậm nhận đó do lỗi của bên nhận hàng thì cũng phải chịu các chi phí phát sinh nếu có”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Từ những phân tích trên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu chủ nhà hàng và khách không thỏa thuận được về việc thanh toán tiền theo hợp đồng thì chủ nhà hàng có quyền khởi kiện ra TAND để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP.Điện Biên, Điện Biên cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ. "Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin từ phía nhà hàng. Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an trực tiếp xuống nhà hàng để xác minh, làm rõ vụ việc", vị lãnh đạo thông tin.


Tác giả:
N.Giang

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP