2017 là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia xuất hiện bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trước đó một năm, từ 2016 tỉnh Nam Định đã triển khai phương án tuyển sinh lớp 10 với bài thi tổng hợp, yêu cầu thí sinh học cả 9 môn trong chương trình THCS, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ.
Bài Toán và Ngữ văn tính theo thang điểm 10. Bài thi tổng hợp gồm 7 môn, trong đó Ngoại ngữ chiếm 4 điểm và 6 môn còn lại mỗi môn chiếm 1 điểm. Kiến thức thi nằm trong sách giáo khoa. Một số ít câu hỏi liên hệ thực tế địa phương.
Ông Bùi Văn Khiết, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, cho biết phương án thi dựa trên cơ sở khảo sát thực tế hàng năm. Năm 2015 trở về trước, thí sinh thi vào lớp 10 phải làm ba bài Toán, Văn và tiếng Anh. Sau khi kiểm tra, Sở nhận thấy có hiện tượng cắt xén chương trình, đẩy nhanh các môn phụ để nhường giờ giảng cho môn thi.
"Trong lớp, cứ tiết Toán, Văn, Anh thì học sinh học nghiêm túc, nhưng đến các môn phụ lại không học trong khi mục đích giáo dục phổ thông là giúp học sinh học toàn diện. Bên cạnh đó, giáo viên THPT phản ánh học sinh mất gốc nhiều môn, việc dạy lại rất tốn thời gian nên Giám đốc Sở đã chỉ đạo lên phương án tuyển sinh mới với sự xuất hiện của môn tổng hợp", ông Khiết giải thích.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội. |
Để việc thay đổi phương án thi nhận được sự đồng thuận của nhà trường, phụ huynh và học sinh, Sở Giáo dục Nam Định năm nào cũng thông báo chủ trương, dự kiến phương án tuyển sinh từ hè, có công văn hướng dẫn và ra đề thi minh họa, khảo sát đối với các trường trong 8 tuần đầu năm học để đưa ra phương án thi cuối cùng. Ông Khiết thông tin, ngay từ năm đầu thực hiện, học sinh rất phấn khởi vì đạt điểm bài thi minh họa cao, kiến thức hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa với những câu hỏi đơn giản nên không phải đi học thêm nhiều.
"Sơ kết báo cáo hai năm thực hiện thi bài tổng hợp cho thấy 96-98% nhà trường, phụ huynh, học sinh hài lòng và đồng ý tiếp tục thực hiện bài thi tổng hợp. Giáo viên rất phấn khởi vì những học sinh từng có tư tưởng khinh môn không thi vào cấp ba đã thay đổi, trên lớp tập trung hơn", ông Khiết chia sẻ và cho biết đó là cơ sở để năm 2018 tỉnh tiếp tục theo phương án thi này.
Năm 2018, thí sinh thi vào lớp 10 của Nam Định phải làm đủ ba bài Toán, Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận, thời gian 120 phút và bài tổng hợp gồm ba lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ, thi trắc nghiệm trong 90 phút. Môn Ngoại ngữ học sinh có thể chọn một trong ba thứ tiếng là tiếng Anh, Nga hoặc Pháp.
Thành phố Hải Phòng thực hiện phương án tuyển sinh mới từ năm 2017, trong đó học sinh phải thi 9 môn giống Nam Định, song vấp phải sự phản ứng dữ dội từ học sinh, phụ huynh. "Tôi cho rằng công tác tư tưởng, lấy ý kiến của Hải Phòng chưa tốt nên không nhận được đồng tình", ông Thiết nhận định.
Sau một năm bị đánh giá không thành công, Hải Phòng lại đổi phương án thi vào lớp 10. Theo đó, thí sinh dự thi năm học 2018-2019 phải thi ba môn Ngữ văn, Toán và bài thi tổ hợp gồm hai môn: Tiếng Anh và một trong các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, được chọn theo hình thức bốc thăm, công bố vào đầu tháng 4 hàng năm.
Cuối tháng 3, Hải Phòng đã bốc thăm và môn thi được lựa chọn là Vật lý. Hai môn Toán và Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, hai môn tiếng Anh và Vật lý làm trắc nghiệm.
Từ năm học 2017-2018, Ninh Bình cũng có phương án tuyển sinh tương tự Nam Định với ba bài thi Toán, Ngữ văn và bài tổng hợp (được gọi là bài thi đại trà). Bài Toán và Ngữ văn thi tự luận trong 120 phút, bài tổng hợp gồm 50 câu trắc nghiệm, trong đó riêng tiếng Anh sẽ có 20 câu.
Trước thực tế học sinh học lệnh, học tủ nhiều và để làm quen với dạng bài trong kỳ thi THPT quốc gia, năm học 2018-2019, một số tỉnh, thành khác áp dụng bài thi tổ hợp vào tuyển sinh lớp 10. Nghệ An cũng tổ chức bốc thăm như Hải Phòng, bài thi tổ hợp năm nay gồm Ngoại ngữ, Sinh học và Giáo dục công dân.
Học sinh sẽ làm bài thi tổ hợp trong 90 phút, số lượng 50 câu gồm 3 môn thành phần: Ngoại ngữ (20 câu hỏi), một trong các môn Khoa học tự nhiên (15 câu hỏi) và một trong các môn Khoa học xã hội (15 câu hỏi). Đây là lần đầu tiên tỉnh áp dụng bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trước đó, nhiều năm liên tục, ba môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ được lựa chọn.
Sở Giáo dục Vĩnh Phúc vừa bất ngờ đưa ra phương án tuyển sinh mới với các môn thi và cách chọn môn tương tự Hải Phòng, Nghệ An. Trong năm đầu thực hiện, thí sinh tỉnh Vĩnh Phúc phải thi Toán, Ngữ văn và tổ hợp môn tiếng Anh - Sinh học - Lịch sử. Quyết định này khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo ngại khi các em chỉ còn gần hai tháng mà phải ôn lượng kiến thức quá lớn.
Cùng với Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục Hà Nội cũng ra thông báo cho phép các trường THPT trên địa bàn từ năm học 2019-2020 tuyển sinh vào lớp 10 chỉ bằng hình thức thi tuyển. Thay vì thi hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn như hiện nay, thí sinh sẽ phải làm thêm một bài thi tổ hợp là Ngoại ngữ - Vật lý - Lịch Sử - Giáo dục công dân hoặc Ngoại ngữ - Địa lý - Hóa học - Sinh học. Việc thi bài tổ hợp nào sẽ được Sở Giáo dục công bố vào cuối tháng 3 hàng năm.
Trong buổi thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020 diễn ra ngày 10/4 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Phạm Văn Đại cho biết phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển hai môn Toán và Ngữ Văn được áp dụng từ năm 2006 đến nay. Qua hơn 10 năm thực hiện, nó bộc lộ những hạn chế như tạo hiện tượng học lệch, học sinh chỉ chăm chú vào hai môn và xem nhẹ các môn khác. Điều này chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện bậc THCS.
Phương án thi lớp 10 dự kiến của năm học 2019-2020 đã được đưa ra sau nhiều cuộc hội thảo với chuyên gia giáo dục, các trường THCS, THPT trên địa bàn. Việc đổi mới, theo ông Đại sẽ thúc đẩy thay đổi cách dạy và học trong các trường hiện nay.
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress