Trong nước

Trung ương họp giới thiệu nhân sự cấp Nhà nước

Ban Chấp hành TƯ không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại với các chức danh nhân sự cấp Nhà nước.

Sáng 4/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại hội nghị, Trung ương thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.

Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ ba

Đề cập việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đây là công việc rất hệ trọng. Tại Hội nghị Trung ương 2, khóa XII (tháng 3/2016), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Đến nay, sau khi bầu được Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm tiếp tục chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa mới bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2, khóa XII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao (thấp nhất cũng trên 72%), Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

Đối với 13 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14, khai mạc vào ngày 20/7/2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/7/2016 tại Thủ đô Hà Nội.

Được biết, phần lớn thời gian của kỳ họp thứ nhất được dành để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước.

Theo đó, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và Tổng thư ký Quốc hội.

Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng được bầu tại kỳ họp này.

Theo thông lệ thì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội thường chỉ bầu các chức danh lãnh đạo Trung ương cấp cao một lần, vào kỳ họp thứ nhất của khoá mới.

Lần này, việc bầu mới “rất nhiều nhân sự” được giải thích là sau Đại hội Đảng 12, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Và, nếu đến tháng 7, khi Quốc hội khoá 14 tiến hành phiên họp đầu tiên mới kiện toàn nhân sự, thì thời gian là tương đối dài, trong khi cần tạo động lực mới và khí thế mới để thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 ngay từ năm đầu tiên. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc kiện toàn nhân sự cấp cao trong cùng nhiệm kỳ cũng đã từng có tiền lệ.


Tác giả bài viết: An An (tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP