Pháp luật

Tòa phạt bị cáo lừa 400 triệu, bị hại nói rằng bị lừa tiền tỷ

Theo chị Tâm, số tiền chị bị 2 đối tượng này lừa đảo là hơn 1 tỷ đồng, không phải chỉ dưới 400 triệu đồng như TAND tỉnh Hà Tĩnh nhận định.

Theo dự kiến, ngày mai (17/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Tiến Dũng (SN 1986, ở phố Hàng Lợi, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và Phan Thị Hồng Ngọc (SN 1993, ở thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Quyết định đưa vụ án ra xét xử.


Trước đó, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm đã xử phạt Dũng 8 năm tù và Ngọc 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên cả 2 bị cáo này đã kháng cáo.

Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị hại là chị Hoàng Thị Tâm (39 tuổi, ở Phường Kỳ Phương - Thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh) gửi đơn cho báo Pháp luật Việt Nam và cho rằng, bà không đồng tình với các cơ quan tố tụng tại Hà Tĩnh vì chưa xác định đúng mức độ thiệt hại mà 2 bị cáo gây ra cho bà.

Theo kết luận điều tra và cáo trạng, Phan Thị Hồng Ngọc và Phạm Tiến Dũng lừa của bà Tâm 391.520.000đ trong đó có số tiền mặt 370 triệu đồng và một chiếc điện thoại trị giá 21.520.000đ và chưa xác định được ai là người chủ mưu, người giữ vai trò chính.

Theo chị Tâm, chỉ cần xem xét cẩn thận biên bản đối chất giữa hai bị cáo thì sẽ xác định được rõ ràng ai là người chủ mưu. Cũng theo bà, số tiền bà bị 2 đối tượng này lừa đảo là hơn 1 tỷ đồng chứ không phải chỉ dưới 400 triệu đồng. Chị Ngọc nói rằng trong nhiều biên bản và bút lục của Dũng và Ngọc đều thể hiện điều này.

"Việc đối chất giữa hai bị can, bị cáo với người bị hại là để xác định được sự thật khách quan. Theo nội dung trong Biên bản đối chất lúc 14 giờ 30 ngày 28/01/2021 tại Cơ quan điều tra đã thể hiện sự bất cập, mâu thuẫn với kết quả điều tra và cáo trạng." - chị Tâm nhấn mạnh trong đơn.

Chị Tâm còn cho biết, ngày 10/11/2021, bà đã làm việc bằng biên bản Tại tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và điều tra lại vụ án nhưng từ đó đến nay, không một cơ quan pháp luật nào vào cuộc điều tra và làm việc với bị hại mà ra quyết định xử lý vụ án phúc thẩm ngày 17/5/2022, tại tòa án tỉnh Hà tĩnh.

"Bản thân tôi là bị hại nhận thấy các đơn thư kêu cứu của tôi không được chấp thuận theo quyền lợi của một công dân Việt Nam", chị Tâm cho biết.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Tác giả: Hoàng Lương

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP