Giáo dục

Thi THPT 2022: "Một sơ suất nhỏ sẽ gây hậu quả lớn"

Việc tự chủ trong khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương phải được đảm bảo an toàn nhằm giúp có một kỳ thi công bằng giữa các thí sinh.

Ngày 1/7, Đoàn công tác Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh Hà Nam.

Đoàn kiểm tra đã đi đến 2 điểm thi tại trường THPT chuyên Biên Hòa và trường THPT B Phủ Lý về việc chuẩn bị phòng thi, lực lượng cán bộ, công tác bảo mật đề và đặc biệt là chuẩn bị các phương án dự phòng liên quan đến sự cố mất điện, giao thông đi lại, ngập úng nếu thời tiết xấu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đã đến lớp học hỏi thăm các em học sinh về việc trang bị kiến thức cho kỳ thi sắp tới, trước việc năm học vừa qua rất khó khăn khi vừa học trực tuyến và trực tiếp.

Ghi nhận sự cố gắng của các em học sinh, ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý: “Các em đi học phải học thật, như các em lớp 1 nếu sau một năm học không biết đọc, biết viết như vậy coi như là không học.

Để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, đối với đề thi các em có thể lấy đề thi tham khảo để làm căn cứ, và các em phải lưu ý 3 khâu quan trọng đó là hướng giải, chính xác, tốc độ giải bài”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ động viên các em chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới

Ngay sau công tác kiểm tra, đoàn công tác đã có buổi làm việc với ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Nam. Theo báo cáo tại cuộc họp, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hà Nam có 23 điểm thi đặt tại 23 trường THPT, với 404 phòng thi/9225 thí sinh dự thi. Trong đó giáo dục phổ thông có 8087 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 1138 thí sinh.

Để tổ chức kỳ thi, Hà Nam huy động 1040 cán bộ coi thi, 194 cán bộ giám sát và lực lượng công an, trật tự viên, phục vụ, y tế, bảo vệ trên 500 người.

Đến nay, Sở GD&ĐT đã tập huấn và chỉ đạo các đơn vị có thí sinh dự thi, các phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được cử tham gia làm nhiệm vụ tại các điểm thi; phổ biến, hướng dẫn Quy chế thi cho thí sinh dự thi.

Hà Nam cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Công tác in sao đề thi huy động 25 người, vận chuyển bàn giao đề thi gồm 9, phòng PA03 công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tham gia vận chuyển đề thi, bài thi bằng ô tô.

Phương án bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi được thực hiện đầy đủ, trang bị tủ sắt, hệ thống camera an ninh tại các phòng quản lý quản đề thi, bài thi cho 23 điểm thi.

Đề thi, bài thi được lưu trữ trong tủ sắt, có 2 camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; có một Phó trưởng Điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải được khoá và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.

Về chấm thi tự luận huy động 139 người, trong đó cán bộ chấm thi là 119 người. Đảm bảo chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài, mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập...

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Hà Nam cho biết: “Đối với tỉnh Hà Nam đã xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những kỳ thi quan trọng, từ đó nhằm đánh giá chất lượng của thí sinh”.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, lãnh đạo tỉnh Hà Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm an ninh, an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo công tác chống gian lận thi; công tác phòng cháy chữa cháy, công tác y tế, kiểm soát dịch bệnh và cần phải rà soát loại tất cả các nội dung trong công tác chuẩn bị.

Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng đánh giá công tác chuẩn bị của Hà Nam thực hiện nghiêm túc, khoa học, có trách nhiệm. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao, hạn chế những trường hợp vi phạm sẽ xảy ra, kiểm soát kỹ càng.

“Đây là kỳ thi quốc gia, nhằm lấy điểm tốt nghiệp và xét tuyển đại học nên cần đảm bảo sự công bằng, khách quan, trung thực, phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là độ tin cậy trong quá trình tổ chức.

Mặc dù là vấn đề cũ nhưng phải chú ý những điểm mới, một sơ suất nhỏ sẽ gây hậu quả lớn, cần chuẩn bị kỹ để quản lý rủi ro, kiểm soát tình hình”, ông Nguyễn Hữu Độ đánh giá.

Ở đây, 4 lưu ý mà địa phương cần phải thực hiện như chắc quy chế, chuẩn bị kỹ các điều kiện, kiểm soát được tình hình, xử lý tốt các tình huống.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng cũng nhấn mạnh: “Những năm trước chúng ta nói chung chung, nhưng năm nay hướng dẫn nói rất rõ.

Cụ thể, cần nhấn mạnh rằng, phải hết thời gian làm bài đối với bài thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài đối với bài thi Ngữ văn thì mới được coi là hết thời gian bảo mật bí mật nhà nước. Tất cả các tình huống phát sinh trong thời hạn bảo mật thì đều bị xử lý theo quy định pháp luật, thậm chí xử lý hình sự”.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP