Giải trí

Philippines cho hoa hậu Iran tị nạn sau 3 tuần sống ở sân bay

Nhà chức trách Philippines cho biết đã cấp quy chế tị nạn cho hoa hậu người Iran sau 3 tuần cô này bị tạm giữ ở sân bay Manila.

Theo SCMP, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Markk Perete hôm 8/11 thông báo đã cấp quy chế tị nạn cho hoa hậu Iran Bahareh Zare Bahari. Tuy nhiên, ông Perete không cho biết lý do Manila cấp quy chế tị nạn cho hoa hậu người Iran.

"Cô ấy sẽ được phép rời khỏi sân bay và vào lãnh thổ Philippines", ông Perete cho biết.

Trước đó, Bahari đã liên tục phát đi lời kêu cứu trên trang Facebook cá nhân, kêu gọi nhận được sự ủng hộ để sớm được Manila cấp quy chế tị nạn. Hoa hậu này khẳng định mạng sống của cô có thể gặp nguy hiểm nếu bị trục xuất về Iran.

Hoa hậu người Iran Bahareh Zare Bahari. Ảnh: Facebook.


Bahareh Zara Bahari bị tạm giữ tại sân bay từ hôm 17/10 sau khi nhà chức trách Iran phát đi "thông báo đỏ" với Interpol để truy nã cô. Thông báo cho biết cựu hoa hậu đã có hành vi phạm pháp ở Iran, trong khi Bahari tuyên bố Tehran đang tìm cách dẫn độ cô để trừng phạt với lý do chính trị.

Cựu hoa hậu Iran nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Philippines và quyết định của nước sở tại dự kiến được đưa ra vào ngày 11/11 tới. Từ giờ tới đó, Bahari sẽ tiếp tục phải chờ đợi tại sân bay. Cô cho biết mình đã bị mất cảm giác thời gian vì phải ở trong một căn phòng với ánh sáng điện cả ngày.

Bahari tới quốc gia Đông Nam Á này từ năm 2014 để học ngành nha khoa và tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Cô cho biết quan chức Philippines nói rằng cáo buộc liên quan đến một hành vi phạm tội diễn ra ở Tehran hồi đầu năm 2018.

Cựu hoa hậu cho biết cô chưa từng trở lại Iran kể từ năm 2014 và tuyên bố các quan chức nước này đã ngụy tạo một vụ án nhằm dẫn độ cô về nước, bịt miệng cô vì những phát ngôn chống chế độ.

Tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa hồi năm 2018 ở Manila, Bahari gây chú ý khi cầm theo tấm poster của Reza Pahlavi, thái tử cuối cùng của triều đại phong kiến Sha bị lật đổ ở Iran từ năm 1979, đang sống tại Mỹ và là người tích cực chỉ trích chế độ hiện tại ở Tehran.

Bahari cũng là một nhà hoạt động tích cực cho quyền lợi của phụ nữ Iran và từng chỉ trích luật Hồi giáo - cơ sở cho hệ thống luật pháp của Iran hiện tại.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP