Xe

Ô tô mới chưa lắp biển số được ra đường trong trường hợp nào?

Theo Điều 53, Luật Giao thông đường bộ, phương tiện muốn tham gia giao thông trên đường thì phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Hiện nay, không khó để bắt gặp một số xe ô tô lưu thông trên đường mà không có biển số. Đa phần các xe này là xe mới mua, chưa kịp lắp biển hoặc xe mới chuyển nhượng mà chưa kịp đăng ký lại,...

Theo quy định tại Điều 53, Luật Giao thông đường bộ, phương tiện muốn tham gia giao thông trên đường thì phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, trong thời gian chưa có biển số, phương tiện không được lưu thông trên đường, trừ các trường hợp xe đăng ký tạm thời.

Điều 12 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã liệt kê cụ thể 04 trường hợp xe đăng ký tạm như sau:

- Xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông;

- Xe đăng ký ở nước ngoài được cơ quan thẩm quyền cho phép vào Việt Nam du lịch, phục vụ hội nghị, hội chợ, triển lãm, thể dục, thể thao;

- Xe phục vụ hội nghị do Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức;

- Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam và xe có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng.

Theo quy định này, người dân mới mua xe và đang trong thời gian chờ cấp giấy đăng ký xe, biển số chính thức phải xin cấp đăng ký tạm thời sẽ được tham gia giao thông.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời có giá trị thời hạn sử dụng tối đa 30 ngày và xe đăng ký tạm thời chỉ được tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.

Trường hợp chưa đăng ký tạm thời mà tham gia giao thông trên đường, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Theo đó, hành vi điều khiển ô tô không gắn biển số ra đường trái quy định bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 1-3 tháng. Còn trường hợp xe ô tô có biển số nhưng không có giấy đăng ký xe, lái xe cũng bị phạt với mức tiền tương đương, nhưng có thể bị tịch thu phương tiện.

Tương tự đối với xe máy, người điều khiển có thể bị phạt tiền từ 800 nghìn - 1 triệu đồng với hành vi điều khiển xe không gắn biển số vào xe. Với xe không có giấy đăng ký, người điều khiển xe cũng bị phạt mức tiền tương đương, nhưng có thể bị tịch thu phương tiện.

Thủ tục cấp đăng ký xe tạm thời

Tùy vào từng loại phương tiện và mục đích đăng ký tạm thời, thành phần hồ sơ khác nhau được quy định tại điều 13 Thông tư 58/2020/TT-BCA như sau:

- Xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Bản sao hóa đơn bán hàng theo quy định hoặc phiếu xuất kho.

- Xe nhập khẩu; tạm nhập tái xuất có thời hạn, quá cảnh: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Bản sao Tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu hoặc bản kê khai chi tiết nhập khẩu xe.

Đối với xe đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu, thủ tục đăng ký, cấp biển số tạm thời giấy tờ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA.

- Xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam (Để phục vụ hội nghị, hội chợ, triển lãm, thể dục, thể thao; xe nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam và xe phục vụ hội nghị do Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức): Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc danh sách xe được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề nghị đăng ký.

- Xe ôtô của người nước ngoài, đăng ký ở nước ngoài (Tay lái bên phải (tay lái nghịch), tay lái bên trái tham gia giao thông theo hình thức Canavan) được phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Văn bản cho phép tham gia giao thông tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP