Cuộc sống

Nhóm người lạ đến đám tang khiến nữ trưởng phòng y tế bất ngờ

‘Đến một ngày, bà Hoa mất, ở trung tâm bỗng xuất hiện rất đông người lạ mặc áo đen, đầu vấn khăn tang…’, bác sĩ Lê Thị Kim Thanh nói.

Một buổi sáng tháng 4, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (ở Từ Liêm, Hà Nội). Tiếp chúng tôi là bác sĩ Lê Thị Kim Thanh ( SN 1971), trưởng phòng y tế của Trung tâm.

Với gương mặt có phần mệt mỏi sau ca trực đêm, bác sĩ Kim Thanh cho biết, chị vào trung tâm làm việc đã 21 năm.

Bác sĩ Lê Thị Kim Thanh đang khám bệnh cho một cụ già trong Trung tân Bảo trợ xã hội.

Bác sĩ Kim Thanh tốt nghiệp Đại học Y, xin vào công tác ở một một số bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội. Tuy nhiên do gặp nhiều biến động trong công việc nên chị quyết định xin nghỉ tại đó và về đầu quân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3.

“Lần đầu tiên bước chân đến đây, tôi rất bỡ ngỡ. Tôi cứ nghĩ, công việc của mình là chăm sóc điều trị cho bệnh nhân khi họ ốm đau nhưng tôi đã nhầm.

Trong môi trường đặc biệt này, tôi và các đồng nghiệp phải làm từ A - Z, tức là sẽ làm từ khâu chăm sóc, cho đến khâu cơm nước, sinh hoạt. Khi các cụ ốm, mất đi, chúng tôi còn kiêm luôn cả việc mai táng, thờ cúng, bác sĩ Kim Thanh nói.

“Có giai đoạn, tôi chán nản, định nghỉ ở đây để xin vào các bệnh viện làm vì dù gì mình cũng là người được đào tạo về y khoa bài bản. Nhưng rồi sống ở đây một thời gian, tình cảm của tôi lại trở nên gắn bó và thân thiết hơn bao giờ hết.

Bởi vậy mà biết bao nhiêu lần có ý định sắp đồ định ra đi, tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh các cụ ở đây. Giờ thì tôi không muốn đi nữa”, Trưởng phòng y tế bộc bạch.

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 hiện có 95 cụ sinh sống với 95 hoàn cảnh khác nhau. Mỗi hoàn cảnh đều khiến các cán bộ, nhân viên trung tâm rơi nước mắt.

Bác sĩ Kim Thanh kể, trong 21 năm gắn bó với trung tâm, chị nhớ nhất trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoa (quê Thạch Thất, Hà Nội).

Theo lời người Trưởng phòng y tế, bà Hoa tuy đã 75 tuổi nhưng có nước da hồng hào và bàn tay thon đẹp. Trong cách giao tiếp với mọi người, bà tỏ ra là người rất nhã nhặn và từ tốn. Vì vậy khi ở trung tâm, bà được mọi người yêu quý, nể trọng.

Khi bà Hoa mất, trung tâm tiến hành làm đám tang cho bà. Trong ngày diễn ra tang lễ này bỗng xuất hiện nhiều người lạ mặc áo đen, đầu vấn khăn tang. Điều này khiến những thành viên trong trung tâm rất bất ngờ bởi trước đó, bà Hoa chưa bao giờ nhắc đến chuyện mình có con, cháu.

Nhưng trong ngày diễn ra tang lễ, mọi người vẫn phải tất bật hoàn thành các công việc của mình mà không để ý nhiều đến nhóm người lạ kia.

Sau khi bà mất một thời gian, một cụ bà sống cùng phòng mới thủ thỉ về gia cảnh bà Hoa. Theo đó, người này cho biết, khi còn sống, bà Hoa kể rằng gia đình bà rất khá giả. Hơn nữa bà cũng có rất nhiều con, cháu chứ không cô độc như mọi người thường nghĩ.

Về lý do vì sao bà khá giả, đông con mà bà vẫn vào trung tâm ở thì bà Hoa lại không tiết lộ.

“Cho đến giờ là gần 1 năm ngày bà Hoa mất nhưng mỗi khi nhớ lại câu chuyện đó, chúng tôi đều đau lòng, bởi khi người ta sống với nhau thì không yêu thương nhau, đến khi mất đi thì mới tìm lại người thân ruột thịt nhưng đã quá muộn màng”, bác sĩ Kim Thanh nói.

Theo bác sĩ Trần Thị Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3), muốn làm việc được lâu dài và gắn bó với trung tâm thì phải có một trái tim biết yêu thương và chia sẻ.

Bác sĩ Hải lý giải, các cụ ở đây đã già, tính cách hay "mưa nắng thất thường".

“Có cụ thích nhặt rác ở sân rồi mang về cất kỹ ở trong phòng. Có cụ lại hay tích trữ đồ ăn đã bốc mùi, có cụ thì lại sạch sẽ, kỹ tính quá. Vì thế khi ở cạnh nhau, các cụ hay xích mích với nhau.

Chúng tôi làm công tác quản lý, chăm sóc phải đứng ra giải thích, khuyên nhủ và động viên các cụ sao cho thật hài hòa”, bác sĩ Hải nói.

Các cụ già ở trung tâm được các hộ lý dìu đến nhận cơm.

Bên cạnh việc động viên các cụ giữ gìn vệ sinh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội cho biết việc chăm lo từng bữa ăn cho người già ở đây cũng rất phức tạp.

“Có cụ thích ăn đậu phụ nhưng phải là đậu phụ sốt cà chua. Có cụ khác lại thích ăn cơm nhão chứ nhất định không ăn cơm khô. Có cụ thủ thỉ rằng thích ăn tôm nhưng con tôm ấy phải to bằng 3 ngón tay mới đồng ý.

Với những yêu cầu nằm trong khả năng của trung tâm, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhưng với những yêu cầu nằm ngoài khả năng chúng tôi phải nhẹ nhàng giải thích, tâm sự để các cụ hiểu, thông cảm”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nói.

Ngoài ra, để giúp các cụ gắn kết hơn khi sống trong môi trường tập thể, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 còn tổ chức các buổi hoạt văn hóa. Tại đây, các cụ sẽ trình bày tâm tư, tình cảm và những đề xuất của mình.

“Đây chính là cầu nối để những thành viên ở trung tâm gắn kết với nhau nhiều hơn. Tại đây chứng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu từng ý kiến của các cụ. Với những ý kiến hay và chính đáng, chúng tôi ghi nhận và hứa sẽ thực hiện”, bác sĩ Hải bộc bạch.

Chúng tôi rời trung tâm trở về cũng là lúc một bà cụ tóc bạc phơ cầm trên tay cuốn sách nhỏ để trong túi bóng đựng rác. Bà vừa khoe cuốn sách quý vừa hồ hởi chia sẻ về cuộc sống ở trung tâm.

Bà bảo cuộc sống ở đây tuy không thoải mái như ở nhà nhưng mọi người quan tâm, yêu thương nhau còn hơn cả ruột thịt…

(*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu)

Tác giả: H.Thúy - Vũ Lụa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: đám tang , Người cao tuổi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP