Xã hội

Người đàn ông 62 tuổi tử vong sau 3 tháng bị chó con cắn vào tay

Ngày 4/8, bác sĩ Cao Sỹ Phượng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết trên địa bàn huyện vừa ghi nhận trường hợp một người đàn ông tử vong vì bị chó dại cắn, theo VietNamNet.

Được biết, cách đây khoảng 3 tháng, ông N.V.Ch (SN 1960, ở thôn 3, xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa) đưa con chó 1 tháng tuổi nhà nuôi đi tiêm phòng. Trong lúc giữ chó con để tiêm phòng bệnh, ông Ch. bị chó cắn ở mặt trong cánh tay trái, chảy ít máu.

Thời điểm này, con chó nhỏ đang bị ốm, sau 3 ngày thì con vật chết. Từ khi bị chó cắn đến nay, sức khỏe người đàn ông bình thường, không có biểu hiện gì.

Đến sáng ngày 1/8, ông Ch. mệt mỏi, nhức đầu, sợ ánh sáng nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới thăm khám và được các bác sĩ chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh dại và trả về. Tới khuya ngày 2/8, ông Ch. qua đời.

Người đàn ông bị chó cắn vào tay, 3 tháng sau qua đời do mắc bệnh dại. Ảnh minh họa

Trước đó, vào năm 2021, trên địa bàn xã Thanh Hóa cũng có một trường hợp tử vong do bệnh dại. Mới đây nhất, vào tháng 5/2022, một học sinh lớp 9 ở xã Thanh Hóa tử vong sau khi bị chó cắn.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Lê Cừ - Trưởng khoa lâm sàng các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), cho biết nếu bị động vật có virus dại cắn mà không đi tiêm phong ngay thì sẽ không thể cứu chữa khi đã lên cơn dại. Các bác sĩ khuyến cáo các trường hợp bị động vật như chó, mèo, dơi... cắn, cào nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hà Phương Anh - khoa cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), đưa ra một số lưu ý khi bị chó cắn, bao gồm cả các bước sơ cứu vết thương ban đầu nhằm hạn chế khả năng nhiễm trùng.

Cụ thể, kiểm tra vết thương, nếu không chảy máu thì rửa thật sạch vùng da đó bằng xà phòng và nước ấm. Trong trường hợp vết thương chảy máu thì cần chườm bằng vải sạch trong 5 phút hoặc cho đến khi máu ngừng chảy rồi mới rửa vết thương.

Ấn nhẹ lên vết thương để một ít máu chảy ra, nhờ đó giúp loại bỏ vi khuẩn. Dùng băng vô trùng để bịt kín vết thương, đồng thời giữ vùng bị thương cao hơn tim để ngăn ngừa sưng và nhiễm trùng. Nếu vết thương nhẹ thì có thể tự xử lý tại nhà qua việc rửa vết thương hàng ngày và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.

Trường hợp gặp các biểu hiện như máu chảy nhiều và không kiểm soát được; vết cắn để lộ xương, gân, cơ hoặc gây đau; có các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ; người bị sốt hoặc cảm thấy yếu ớt, ngất xỉu... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị.

Bác sĩ Phương Anh cũng khuyến cáo người bệnh liên hệ với bác sĩ nếu vết cắn hở và chưa tiêm phòng uống ván trong 5 năm qua. Nếu con chó đã cắn người có biểu hiện kỳ lạ, không thể xác định chúng đã được tiêm phòng vaccine dại hay chưa thì cần liên hệ bác sĩ để xem xét tiêm phòng dại.

Tác giả: Đinh Kim (T/h)

Nguồn tin: ĐS&PL/NĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP