Quy hoạch và phát triển đô thị hướng biển luôn mang tính thời sự, nhất là đối với đô thị Đà Nẵng khi có đường bờ biển dài khoảng 74 km với nhiều bãi tắm, cảnh quan phù hợp để phát triển dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng.
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại Đà Nẵng xác định, sự hình thành và phát triển đô thị Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn vào biển nên yếu tố này luôn được xem xét, cân nhắc cẩn trọng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.
Để triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, với mục tiêu thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế địa phương, nhiều năm trước đây Đà Nẵng đã giao đất cho các dự án dọc ven biển. Đến nay, hàng loạt dự án lớn đã hình thành tạo nên đô thị ven biển sôi động, thu hút đông đảo người dân đến làm việc, sinh sống và vui chơi.
Song, bên cạnh những dự án triển khai kịp thời vẫn còn nhiều dự án được thành phố cấp phép đầu tư, phát triển du lịch nhưng đến nay vẫn án binh bất động, bỏ hoang vừa gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cư dân xung quanh. Tình trạng dự án bất động sản bỏ hoang không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.
Một trong những dự án bỏ hoang có thể kể tới là Khu Du lịch dịch vụ cao cấp Sơn Trà, do Công ty Cổ phần Đà Nẵng Sơn Trà làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 14 ha và hơn 20 ha mặt biển, trải dài 1,3 km thuộc vịnh Bãi Trẹm (Sơn Trà, Đà Nẵng).
Theo quy hoạch, dự án gồm cụm resort, biệt thự, nhà hàng, khách sạn 5 sao 18 tầng,... vốn đầu tư 20 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một dãy dài biệt thự xây xong phần thô rồi bỏ hoang, cỏ dại phủ kín ví như biệt thự “ma” trên bán đảo.
Cách đó không xa là dự án Bai But Bay Resort của Công ty Cổ phần Hải Duy và Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ TP.Hồ Chí Minh (Invesco). Khu du lịch này được khởi công năm 2005, tổng vốn đăng ký 30 triệu USD. Gần 20 năm qua, dự án mới chỉ có vài căn biệt thự bỏ hoang, xuống cấp.
Dọc đường ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn, nhiều dự án được chính quyền giao đất cả chục năm nay nhưng vẫn “án binh bất động". Đơn cử là dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), do Công ty Cổ phần Hòn Ngọc Á Châu làm chủ đầu tư.
Ngay bên cạnh là dự án The Song được thành phố cấp phép đầu tư, phát triển du lịch. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được cấp phép xây dựng từ tháng 8/2011, gồm 37 căn biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 2 tầng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư xây sai nội dung giấy phép, xây dựng không phép 18 biệt thự, tăng diện tích xây dựng ở một số hạng mục, lấn chiếm bãi biển...
Đáng chú ý, một trong những dự án chậm tiến độ, gây tranh cãi suốt thời gần đây là Dự án Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng (có tên thương mại là Kim Long Ocean Thuận Phước).
Dự án Khu đô thị mới Thuận Phước |
Theo thông tin công bố, năm 2010 dự án Khu đô thị, Thương mại và Du lịch phía Bắc vịnh Mân Quang được TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng chi tiết 1/500 với chủ đầu tư là Công ty Cổ phàn Đầu tư đô thị vịnh Thuận Phước.
Năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, theo đó đổi tên dự án từ “Khu đô thị, Thương mại và Du lịch phía Bắc vịnh Mân Quang” thành dự án “Khu đô thị mới Thuận Phước – Đà Nẵng”.
Cho đến ngày 29/12/2023, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh lần một chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Trong đó, dự án với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất phù hợp theo quy định…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấp biển của dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, rặng san hô và các loài cá; ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá của ngư dân trong vịnh kín gió này. Dự án lấp biển tại vịnh Thuận Phước kín gió ảnh hưởng đến nơi trú bão của hàng trăm tàu thuyền đánh cá của ngư dân.
Bên cạnh đó, việc lấp biển này còn chặn đường tiếp giáp biển hiện hữu của hàng trăm hộ dân dãy B9 và B10 đang sinh sống tại khu biệt thư SEA Thuận Phước.
Do đó, khi phê duyệt dự án đầu cần đánh giá thật kỹ những tác động môi trường như dự án Đô thị mới vịnh Thuận Phước. Đặc biệt, để không bỏ hoang, gây lãng phí và làm chậm đi nhịp phát triển chung của thành phố, chủ đầu tư phải cam kết thực hiện đúng theo tiến độ; chính quyền cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, quyết liệt thu hồi dự án nếu chậm tiến độ và không hiệu quả.
Mới đây, cử tri đã có kiến nghị gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về nội dung: “Đề nghị Chính phủ thành lập Đoàn kiểm tra toàn bộ các quy hoạch treo, tồn tại lâu mà không thực hiện gây khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, nếu quy hoạch không có tính khả thi thì dỡ bỏ”.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi số 62/2020/QH14, trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài các nội dung trên, Bộ Xây dựng đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch theo quy định, kịp thời điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Để khắc phục triệt để tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới Bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng theo hướng: Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội; pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở…
Tác giả: Văn Hoàng
Nguồn tin: congthuong.vn