Tin địa phương

Đường đi của các mặt hàng “tả pí lù” qua Hải quan Đà Nẵng

Hàng hóa được người gửi đến kho hoặc điểm tập kết của đơn vị thu gom. Sau đó, tập hợp thành các lô hàng rồi vận chuyển ra bến xe Nước Ngầm để các đơn vị vận tải, dùng xe tải có trọng lượng lớn đi vào Đà Nẵng.

Lời toà soạn: Từ những tiết lộ ban đầu của một chủ doanh nghiệp làm trong ngành chuyển phát nhanh, nhóm Phóng viên (PV) báo Pháp luật Việt Nam đã mất nhiều thời gian tìm hiểu và ghi lại tư liệu xác thực về việc các mặt hàng “Tả pí lù” được xuất đi dưới dạng mã hàng xuất khẩu H21 (quà biếu, quà tặng, hàng mẫu…) từ các tỉnh, nhất là từ 2 Thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào Đà Nẵng rồi đi các nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Khách hàng có nhu cầu gửi hàng, dù ở bất kì nơi đâu, chỉ cần “nổ” địa chỉ, thì dù mặt hàng có khó đến mấy, sẽ có đơn vị gom hàng rồi vận chuyển từ các nơi vào Đã Nẵng và thông quan một cách dễ dàng ở Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng (Cục hải quan Đà Nẵng) rồi sẽ đến tay người cần ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan…

Loạt bài viết của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ cho thấy những lỗ hổng nguy hiểm trong quản lý việc mở tờ khai, làm dịch vụ thông quan tại cửa khẩu sân bay Đà Nẵng. Những hoạt động này cần sớm được xử lý và ngăn chặn hiệu quả để tránh những hậu quả đáng tiếc từ những sai phạm trên.

Bài 1: Gom tất cả các mặt hàng theo kiểu “tả pí lù”

Hàng hóa được người gửi đến kho hoặc điểm tập kết của đơn vị thu gom. Sau đó, tập hợp thành các lô hàng rồi vận chuyển ra bến xe nước ngầm để các đơn vị vận tải, dùng xe tải có trọng lượng lớn đi vào Đà Nẵng.

Chủ một doanh nghiệp lên tiếng vì lương tâm không cho phép

Vào đầu tháng 02/2024, một chủ Doanh nghiệp từng làm trong ngành chuyển phát nhanh từ Việt Nam qua các nước và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tìm đến chúng tôi. Người này cho biết, bản thân đã có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực trên.

Một chủ Doanh nghiệp từng làm trong ngành chuyển phát nhanh Quốc tế, tiết lộ việc thông quan qua Hải quan Đà Nẵng.

Tuy nhiên, người này đã từ bỏ việc kinh doanh trên, một phần do không thể cạnh tranh được với những “ông lớn” trong lĩnh vực này, còn phần lớn chính là lương tâm không cho phép bản thân tiếp tay cho những sai phạm, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì hết sức nguy hiểm.

“Như trước kia tôi còn làm, các mặt hàng cũng được gom lại từ người dân có nhu cầu vận chuyển sang nước ngoài và sau đó nhờ các công ty trung gian làm thủ tục khai báo Hải quan rồi chuyển sang nước ngoài…”, theo vị chủ doanh nghiệp cho hay.

Cũng theo người này, các mặt hàng thường không có nguồn gốc xuất xứ, hàng fake, nổi lên là mặt hàng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngoại, thuốc lá Việt với số lượng lớn, cùng các loại mỹ phẩm không nguồn gốc, hàng quần áo, giầy dép, các loại túi mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Rồi các loại hàng hóa như bánh kẹo, mì tôm, nước ngọt đều là hàng trôi nổi không có hóa đơn mua bán. Nói chung các mặt hàng có rất nhiều loại khác nhau kiểu như “tả pí lù”. Sau đó, thông qua các Công ty trung gian, các công ty này làm việc với Hải quan Đà Nẵng để đứng ra khai báo Hải quan và thông quan hàng hóa cho các công ty gom hàng”, người này cho biết.

Các mặt hàng được gom theo “tả pí lù”, sau đó thông qua các công ty gom qua các đơn vị vận chuyển đi vào Đà Nẵng.

Cũng theo vị này, các công ty trung gian này làm việc với Hải quan, có trách nhiệm khai báo Hải quan và thông quan hàng hóa cho các công ty gom hàng. Các công ty trung gian này chỉ khai báo một số các mặt hàng thông thường (từ 3-4 mục đến 30-40 mục hàng ) được phép xuất khẩu, các mặt hàng khai báo của các công ty trung gian này đều lặp đi lặp lại từ tờ khai này sang tờ khai khác, từ hôm này sang hôm khác, từ tháng này sang tháng khác và nhiều hơn là từ năm này sang năm khác…

Bản thân các công ty trung gian không thể khai đúng và đủ được các mặt hàng thực tế (thực tế mỗi lô hàng gồm vài trăm mục hàng, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, hàng không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, hàng fake… ).

Từ những lời kể của chủ Doanh nghiệp trên, những ngày sau đó, nhóm PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt ở bên xe Nước Ngầm, để tận mắt chứng kiến hàng hoá được gom từ “bốn phương, tám hướng” đổ về một điểm tập kết để đi vào Đà Nẵng.

Qua đối thoại với nhân viên của một số công ty gom hàng trong vai khách hàng muốn gửi hàng sang Đài Loan cho người thân, qua những lời nói ban đầu của người nhân viên trên thì “anh thích chuyển mặt hàng gì cũng được, bên em liên kết với “các đối tác” nên hàng đi cứ yên tâm.

“Từ lúc anh mang hàng ra bến xe Nước Ngầm để bên em vận chuyện vào Đà Nẵng và sang bên Đài Loan chỉ mất 48 tiếng là người thân bên Đài Loan của anh có thể nhận được hàng rồi”, nhân viên này cho hay.

Vì sao lại gom hàng từ bến xe Nước Ngầm để đi vào Đà Nẵng

Trong câu chuyện giữa chúng tôi và người được xưng là quản lý của của một công ty gom hàng được biết, người dân có nhu cầu gửi hàng sang nước ngoài, thì sẽ liên hệ với công ty.

Sau đó, công ty có trách nhiệm thu nhận các mặt hàng trên đến kho trụ sở, kho của những đơn vị trên. Ở Hà Nội có rất nhiều công ty làm về lĩnh vực trên, họ cũng đều thực hiện các bước là gom các mặt hàng lại khi đủ số lượng sẽ chuyển cho công ty vận chuyển.

Các công ty vận chuyển sẽ gom hàng và di chuyển vào Đà Nẵng.

“Như công ty chúng tôi khi số lượng hàng hoá đã đủ thì sẽ nhờ công ty TKC vận chuyển vào Đà Nẵng”, người này cho biết.

Cũng trong cuộc đối thoại trên, PV còn biết được một thông tin “sốc”, là tại sao những hàng hoá trên không đi thông quan ở sân bay khác cho gần và giảm được khá nhiều chi phí thì người quản lý cho biết, để thông quan ở nhiều sân bay là cực kỳ khó, vì Hải quan làm rất nghiêm, nhiều mặt hàng không thể dễ thông quan được.

“Những mặt hàng như, thuốc lá nội, ngoại, thuốc lá điện tử, thuốc lá Việt Nam, mỹ phẩm, hàng fake là không xuất được, còn ở trong Đà Nẵng thì thoải mái”, người này cho hay.

Được biết, những mặt hàng mà người dân Việt Nam có nhu cầu gửi đi nước ngoài như, Hàn Quốc, Đài Loan hay một số nước Châu Âu… khi lên sân bay, về nguyên tắc các mặt hàng trên phải đi theo hàng Bưu chính, tức là phải đi qua công ty có giấy phép kinh doanh và những mặt hàng trên muốn gửi thì phải đầy đủ tên người gửi, tên người nhận và chi tiết các loại hàng gửi, khi mang đến các điểm thu gom của các công ty Bưu chính có giấy phép hoạt động thì mọi người tập hợp các kiện hàng sau đó làm danh sách (trong đó đầy đủ tên người gửi, người nhận và chủng loại hàng).

Các kiện hàng được bốc lên xe để đi chuyển vào Đà Nẵng thông qua các công ty trung gian để thông quan.

Sau đó, các công ty bưu chính mới khai vào hệ thống Hải quan, thanh toán cước và chuyển đi nước ngoài. Đồng thời, các đối tác của các công ty ở Việt Nam mà ở bên nước ngoài mới thực hiện việc thông quan và phát cho người ở bên nước ngoài có trong dách sách gửi hàng, việc thực hiện đúng quy trình là như thế.

Hơn thế nữa, để thực hiện được việc chuyển hàng Quốc tế, các công ty phải có giấy phép bưu chính quốc tế (có giấy phép, có kho ngoại quan riêng, có mã kho của Hải quan riêng). Đồng thời, nhân lực công ty phải có trình độ nhất định để thực hiện quản lý hàng hoá, xem xét hàng hoá có đủ điều kiện để “xuất ngoại”.

Chính vì vậy, chi phí để đầu tư một công ty có đủ giấy phép hoạt động, đúng quy định của pháp luật là rất lớn. Đồng thời, với những công ty có đủ giấy phép trên thì những mặt hàng không đủ điều kiện như: Hàng fake, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… sẽ không đi được.

Cung thì nhiều, cầu thì lại thiếu, chính vì vậy có nhiều công ty mở ra cũng hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá Quốc tế. Tuy nhiên, để có giấy phép thì không hề dễ hàng, chính vì thế những công ty trên đã thuê công ty trung gian đứng ra để khai Hải quan.

Vậy con đường đi của những mặt hàng “tả pí lù”, sau khi được các đơn vị thu gom rồi qua tay của các công ty trung gian đã làm cách nào mà có thể thông quan một cách dễ dàng mà không hề gặp trở ngại gì?.

Báo pháp luật Việt Nam sẽ thông tin ở bài tiếp theo./.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP