Trong nước

Đề xuất mời Chủ tịch UBND các tỉnh dự phiên chất vấn của Quốc hội

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 8/9, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội

Khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, qua các kỳ họp vừa qua, các đại biểu, cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm tra đều biết các cơ quan nào gửi chậm. Đại biểu đề nghị nên công khai việc này và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội chứ không phải chỉ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, qua đó mới góp phần nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội.

ĐBQH Lê Hoàng Anh cho rằng tài liệu cần gửi sớm đến các ĐBQH.

“Vì thời gian qua cũng như các ĐBQH đã nói là các vị đại biểu Quốc hội nhận tài liệu rất chậm. Có những trường hợp sáng hôm sau thảo luận thì đến 12h, 1h mới nhận được thì đại biểu cũng không thể nghiên cứu được. Tôi cho rằng, tài liệu này phải gửi sớm và công khai”, đại biểu giải thích thêm.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này cần cương quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu.

Đại biểu nêu rõ, việc gửi chậm tài liệu đã trở thành vấn đề tồn tại ở mỗi Kỳ họp, lâu nay chúng ta vấn cho rằng tài liệu chậm thường do Chính phủ gửi chậm, tuy nhiên cũng có trường hợp việc chậm này là do cả ở cơ quan thẩm tra. Do vậy, đại biểu cho rằng, các cơ quan cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ, quy định thật cụ thể các chế tài đối với những cơ quan, đơn vị gửi chậm vào trong dự thảo Nghị quyết, thể hiện sự cương quyết, khắc phục bằng được vấn đề này. Có như vậy, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan soạn thảo mới không dám gửi chậm nữa.

Mời Chủ tịch UBND các tỉnh dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đóng góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, về thời gian tranh luận, đại biểu đề nghị không quá 3 phút để nói rõ vấn đề, nói quá ngắn sẽ không nói hết vấn đề, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với quy định tại Điều 5 về khách được mời tham dự Kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh thành dự các phiên chất vấn.

Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn. Điều 6 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, theo đại biểu tên gọi như vậy chưa đủ ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung tên Điều 6: “Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với kỳ họp Quốc hội”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí góp ý kiến.

Về việc vắng mặt tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu đề nghị được phép thì đại biểu mới có thể nghỉ; đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 30% thời gian kỳ họp.

Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình.

Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, quyết định vẫn là bấm nút cuối cùng, đừng vì những ý kiến chưa chin, chưa hay mà phản đối, phê phán bới móc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ cho đại biểu Quốc hội.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: chất vấn , quốc hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP