Du lịch

Dấu tích “hoang đảo”

Vùng đất Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đầy những nét đầy thơ mộng và… phiêu lưu. Nơi đây là mang truyền thuyết về hoang đảo Mai An Tiêm “khai sinh” ra dưa hấu, có động Từ Thức nơi chàng theo nàng Giáng Hương lên tiên. Nga Sơn còn nổi tiếng với chiếu cói, rượu nếp, thịt dê ủ trấu, rêu đá, gỏi nhệch, ốc núi…

Đền thờ Mai An Tiêm

Dấu xưa

Xã Nga Phú, theo truyền thuyết xưa kia là hoang đảo nơi gia đình Mai An Tiêm sinh sống. Dù là truyền thuyết và đã quá đỗi xa xưa, nhưng có đến đây mới cảm nhận được hình như truyền thuyết vẫn còn lẩn khuất, ẩn hiện đâu đây. Dưới chân núi Mai An Tiêm tôi bắt gặp cặp vợ chồng đang xới đất làm cỏ cho đậu phộng, những tưởng như vợ chồng Mai An Tiêm xưa đang chăm dưa hấu. Cũng dưới chân núi Mai An Tiêm, bên vách núi là ngôi nhà nhỏ nằm nép mình cùng những khóm cây, bên kia hồ nước đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ… Một khung cảnh yên bình đến lạ kỳ cứ như thời của Mai An Tiêm.

Nhà ông Hoàng Văn Điện ở ngay dưới chân núi Mai An Tiêm. Ông bảo, làng ông xưa gọi là Nhân Sơn, bây giờ là xóm 1, xã Nga Phú. Ông Điện đưa tôi vào lòng núi, nơi chân núi bị “ăn” lõm vào sâu bên trong. Ông Điện cho rằng, mặc dù là truyền thuyết nhưng vẫn có những cái thực tế còn hiển hiện khiến người đời phải tin là có thật, như có đền thờ Mai An Tiêm bên chân núi. Dưới chân núi Mai An Tiêm, không như các núi bình thường khác, chân núi này bị lõm vào sâu như dấu tích núi bị sóng biển đánh vào bào mòn. Đặc biệt, dưới chân núi có vỏ hàu, từng dấu tích cho thấy trước nơi đây là biển - đảo. Không nói đâu truyền thuyết xa xôi, thời cụ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chưa khai hoang lấn biển thì vùng đất Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) giáp với xã Nga Phú còn là vùng đất hoang, biển vẫn nằm sâu bên trong. Cách đây mấy năm, có một dự án của tỉnh Thanh Hóa triển khai đào hồ men theo chân núi để phục vụ đua thuyền dịp lễ hội đền Mai An Tiêm, nhưng đang đào dở dang thì dừng. Bây giờ, ông Điện tận dụng hồ đào dở để nuôi vịt, còn khoảng đất trống ông và một số gia đình khai hoang trồng chuối, lạc…

Đất thiêng

Quanh núi Mai An Tiêm có nhiều điều kỳ bí và kỳ thú. Nơi chân núi bị lõm, mõm nhô ra như đầu rùa; nơi kia là hang đá với cây đa cổ thụ. Đền thờ Mai An Tiêm nằm dưới chân núi cũng mang tên Mai An Tiêm. Ông Đặng Văn Thiết, chủ nhang đền đã 15 năm, chậm rãi kể lại truyền thuyết con dân ta ai cũng biết. Mai An Tiêm là con nuôi Vua Hùng thứ 17, được vua gả con gái. Chỉ vì có kẻ ganh ghét khiến Mai An Tiêm bị vua hiểu nhầm, đày cả nhà ra hoang đảo. Tại đây, một loài chim lạ đã đánh rơi hạt dưa hấu xuống và Mai An Tiêm nhặt được đem gieo trồng, nuôi sống gia đình nơi hoang đảo. Sau đó Mai An Tiêm thả trôi một số trái dưa hấu vào đất liền, có người đem dâng lên vua và về sau được vua đón về. Tương truyền, ngôi đền thờ Mai An Tiêm được dựng ngay trên nền ngôi nhà trên hoang đảo của ngài. Nghe kể lại, đền ngày xưa được dựng bằng gỗ, đá, sau bằng gạch với quy mô nhỏ. Đền xưa được xây theo kiểu “cuốn gạch” mái vòm như cầu vồng. Qua bao biến thiên, đền bị hư hỏng nặng. Đến năm 2008, đền được phục dựng như bây giờ. Hàng năm, từ ngày 12 đến 15-3 Âm lịch, lễ hội đền Mai An Tiêm lại được mở, thu hút hàng ngàn người từ mọi nơi đến tham dự.

Qua chiêm nghiệm của ông Thiết, mảnh đất nơi đặt đền thờ Mai An Tiêm là đất thiêng, đất lành. Đền là chốn linh thiêng nên nhiều người từ khắp nơi về cầu an, cầu duyên, cầu sức khỏe, cầu tự… Trước đây, ở khu vực trước đền là bãi dưa hấu, nhưng sau phải bỏ để mở rộng sân đền, thuận tiện cho không gian mùa lễ hội. Ngay phía sau đền là thung lũng Mai An Tiêm, tương truyền trước đây là vườn dưa của gia đình. Trong quy hoạch làm dự án phát triển du lịch, người ta cũng đã tính trồng dưa hấu bên trong thung lũng, nhưng do đất bây giờ là đất thịt, nguồn nước tưới hiếm nên không thể trồng được. Hiện nay người ta chuyển sang trồng bạch đàn, keo…

Đảo dưa không còn dưa

Vô tình, khi vào thăm đền thờ Mai An Tiêm tôi gặp anh Đinh Văn Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Phú. Tôi hỏi: “Xã mình được mệnh danh là “cái nôi” của dưa hấu, bây giờ người dân mình còn trồng nhiều không anh?”. Anh Viết cười: “Không phải nhiều hay ít mà gần như không trồng được”. Anh Viết lý giải, dưa hấu là phải trồng trên đất cát pha, đất màu, trong khi phần lớn đất của xã là đất thịt. Ở huyện Nga Sơn dưa hấu chỉ trồng được ở các xã Nga An, Nga Yên, Nga Giáp… Vậy nên mới có chuyện, lễ hội đền Mai An Tiêm có phần thi khắc chữ trên dưa hấu, nhưng “cái nôi” của dưa hấu phải đi mua ở nơi khác về để tập và thi!

Hiện Nga Phú có 770ha diện tích tự nhiên, trong đó có 350ha lúa, 20ha cói. Nhưng để làm nông ở vùng đất này thật cực nhọc vì ở vùng nước lợ, muốn có nước ngọt phải lấy từ trạm bơm Xa Loan cách khoảng 20km. Từ năm 2011, xã đã tiến hành đắp đập đất trên sông Càn để ngăn mặn, giữ ngọt. Cứ khoảng tháng 12 năm này đắp đập để giữ ngọt, ngăn mặn và đến tháng 7, tháng 8 năm sau lại phá đập để phòng tránh lũ. Mặc dù có chủ động được nguồn nước nhưng mỗi năm phải tốn khoảng 500 triệu đồng cho việc đắp và phá đập này. Phần lớn người dân Nga Phú bây giờ không còn mặn mà với nông nghiệp. Tính ra 1 sào ruộng làm 6 tháng, trừ chi phí nếu còn lời cao lắm chỉ khoảng 600.000 đồng, trong khi đi làm công nhân bình quân cũng được 4-5 triệu đồng/người/tháng. Người dân bỏ ruộng nhiều, cán bộ xã rất vất vả trong việc vận động, dân không bỏ hoang đất. Anh Viết cười vui, bảo: “Không biết ngày xưa ngài Mai An Tiêm có sợ đảo hoang hay không, chứ giờ chúng tôi sợ nhất là dân bỏ đất hoang”.

Tác giả: DUY CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP