Dự án đường gom 2 bên cao tốc Hòa Liên-Túy Loan cần đền bù giải tỏa 193 hồ sơ trong năm 2025. |
Thống kê số liệu từ 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố cho thấy, số hồ sơ cần GTĐB tại Hòa Vang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4.506 hồ sơ cho 28 dự án, tiếp đến quận Ngũ Hành Sơn 15 dự án với 1.701 hồ sơ, quận Liên Chiểu 8 dự án với 700 hồ sơ… Nhiều dự án trọng điểm có số hồ sơ nhà đất cần giải tỏa lớn như dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn 818 hồ sơ; Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân 488 hồ sơ; Khu tái định cư số 1 phục vụ giải tỏa dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan 230 hồ sơ; Hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư Công trình Chợ Đầu mối Hòa Phước 304 hồ sơ; Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu Công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên 996 hồ sơ; Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân 1.313 hồ sơ; Dự án hoàn thiện tuyến đường gom dọc hai bên đường tránh Nam Hải Vân 193 hồ sơ…
Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, công tác GTĐB phục vụ triển khai các dự án của thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân do thành phố đã ban hành các chủ trương tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, trong đó có chủ trương cho áp dụng trước một số quy định của luật đất đai năm 2024 đối với dự án Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan; chủ trương áp dụng cơ chế hỗ trợ chính sách tương đồng đối với dự án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và Dự án Nhà ở cho công nhân và Khu đô thị liền kề khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng; cơ chế áp dụng thí điểm hỗ trợ đặc thù đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận các mô hình hay như mở chiến dịch 90 ngày đêm bàn giao mặt bằng dự án mở rộng QL 14 B của huyện Hòa Vang; chủ trương số hóa và chia sẻ dữ liệu dùng chung trong di dời mộ vắng chủ của quận Ngũ Hành Sơn; cách tiếp cận cho đổi vị trí tái định cư sang địa bàn lân cận, tập trung quỹ đất tạo dư địa trong việc đầu tư xây dựng nhà ở giải quyết mục tiêu kép là an sinh xã hội và bố trí nơi ở mới cho người dân giải tỏa của quận Sơn Trà; phương án vận động các chủ đầu tư ngoài ngân sách đồng hành cùng chính quyền để giải quyết nhanh các chênh lệch thực tế, đảm bảo cao nhất quyền lợi của người dân của quận Liên Chiểu.
Theo ông Võ Nguyên Chương, ngay từ đầu năm 2025, thành phố sẽ tận dụng tối đa những chính sách mới của pháp luật đất đai và nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng trong thực hiện ĐBGT. Thành phố đã triển khai 19 nội dung trong Nghị định của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thông qua các quyết định cụ thể. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để phục vụ ĐBGT; xây dựng để sớm ban hành Đề án khai thác quỹ đất công hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, trong đó có nội dung thực thiện việc hoán đổi vị trí tái định cư nhằm giảm áp lực về nợ đất tái định cư trong dân và tiết kiệm đầu tư công đối với việc xây dựng các khu tái định cư khi triển khai dự án trên địa bàn thành phố.
Để hoàn thành kế hoạch GTĐB rất lớn, ngay từ đầu năm 2025 các ngành Xây dựng, Nông nghiệp phải thường xuyên rà soát, cập nhật, công bố đơn giá nhà, nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi để đảm bảo đúng nguyên tắc sát giá thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì hiện nay đơn giá bồi thường còn thấp, đa phần người dân không đồng thuận giá trị đền bù khi tiếp dân, vận động bàn giao mặt bằng ở địa phương. Bên cạnh đó, các quận huyện cần kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là các khu vực dự kiến triển khai thu hồi đất để thực hiện Khu thương mại tự do. Riêng với địa bàn Liên Chiểu do tính chất phức tạp về pháp lý và với số trường hợp xây dựng không phép trên đất có nguồn gốc đất nông nghiệp nằm trong ranh giới các dự án đang và dự kiến triển khai rất lớn, do đó cần rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp trình UBND TP phê duyệt “Đề án tháo gỡ vướng mắc đối với các trường hợp người dân có nhà ở trên đất nông nghiệp” làm cơ sở để triển khai xử lý dứt điểm trong quý II-2025.
Với một số dự án cụ thể như Dự án quy hoạch, phục hồi danh thắng Ngũ Hành Sơn, Dự án nhà ở cho công nhân và Khu đô thị liền kề khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu vực sân vận động Chi Lăng thực hiện theo Luật Đất đai 2013, do đó không được phê duyệt Dự án đầu tư mà chỉ có Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Để tiếp tục triển khai dự án và để đảm bảo quyền lợi của hộ giải tỏa, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành, Sở TN&MT đã báo cáo UBND TP cho phép chủ trương điều chỉnh Phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng tổng thể để bổ sung vốn đền bù tiếp tục thực hiện và thanh quyết toán dự án nhằm thống nhất về chính sách bồi thường tại dự án.
Tác giả: HẢI QUỲNH
Nguồn tin: cadn.com.vn