Nhân ái

Cụ bà 70 tuổi nhặt ve chai chăm chồng mù lòa, nuôi 2 cháu nội mồ côi

Hơn 1 năm phải chứng kiến hai cú sốc lớn khi con dâu mất vì đột quỵ, con trai mất vì tai nạn giao giao thông, một mình bà Thắm nhặt ve chai, phế liệu, gồng gánh chăm chồng mù lòa và nuôi hai cháu nội mồ côi.

Ở tuổi 70, bà Thắm hằng ngày vẫn phải đi nhặt phế liệu kiếm thêm thu nhập nuôi hai cháu mồ côi mà người chồng mù lòa. Ảnh: QD

Sự việc đã diễn ra cách đây 5 – 7 năm nhưng mỗi khi nhắc đến, người dân thôn Bắc Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) không ai không cảm thấy xót xa. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, hai vợ chồng anh Trương Văn Định (sinh năm 1979) và chị Lê Thị Nguyệt (sinh năm 1981) đột ngột ra đi, bỏ lại người cha mù lòa, người mẹ già yếu và hai đứa con thơ.

Ông Trương Tiến Lên - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, đồng thời là hàng xóm của gia đình bất hạnh này là người trực tiếp chứng kiến cái chết đau đớn của vợ chồng anh Định, chị Nguyệt.

“Giáp Tết năm 2015, khi đang là giáo viên mầm non, cô Nguyệt lên cơn co giật đột ngột trong đêm, chưa kịp đưa đi cấp cứu thì mất. Cú sốc quá lớn khiến Định, chồng cô giáo Nguyệt buồn chán. Hơn một năm sau, trong khi đang điều khiển xe máy đi đổ xăng cách nhà khoảng 1 km, anh bị hai thanh niên tông mạnh ngã ra đường, chấn thương sọ não, mất trên đường đi cấp cứu. Tai họa này chưa qua, tai họa khác lại ập đến, cả làng, cả xã, ai cũng xót xa.”, ông Lên buồn bã nhắc lại câu chuyện đau lòng diễn ra cách đây 7 năm.

Theo ông Lên, anh Định khi còn sống là một thanh niên chí thú làm ăn. Năm 26 tuổi, anh đã xây được ngôi nhà 2 tầng thuộc diện khang trang nhất xã thời điểm đó. 2 năm sau anh Định gặp chị Nguyệt, cô giáo cùng quê rồi nên duyên vợ chồng. Lần lượt 2 cháu Trương Ngọc Dương (sinh năm 2008) và Trương Ngọc Hà (sinh năm 2010) chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.

Năm 2014, hai anh em Dương và Hà vẫn hạnh phúc trong vòng tay của cha mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Vừa xắp xếp lại đống phế liệu, bà Lường Thị Thắm (70 tuổi) kể: Hai ông bà sinh được 5 người con, anh Định là con trai đầu. Do gia đình làm nông khó khăn, hết lớp 5, Định nghỉ học giữa chừng lên thành phố ở nhờ nhà họ hàng, lớn lên một chút thì đạp xích lô, làm thuê, làm mướn đủ nghề. Đến tuổi trưởng thành, tích cóp vốn, con trai bà về quê nhận thầu ao thả cá, làm nhà, lấy vợ, sinh con.

“Lúc con dâu tôi mất, cháu đầu mới 7 tuổi, học lớp 2, cháu thứ hai 5 tuổi học mẫu giáo. Hơn 1 năm sau, các cháu mất cả cha lẫn mẹ. Người ta bảo sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì còn các cháu sẩy cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ giờ biết bấu víu vào ai”, bà Thắm nói trong nước mắt.

Bố mẹ ra đi đột ngột, bỏ lại hai đứa trẻ mồ côi sống với ông bà nội già yếu. Ảnh: QD

Nhận hai cú sốc liên tiếp, ông Trương Văn Hùng, bố anh Định vì quá đau đớn mà mắt mờ dần rồi mù hẳn. Nghe tiếng khách vào nhà nhắc lại chuyện buồn, ông than thở: “Cả con trai và con dâu tôi đều không ốm đau, bệnh tật gì. Các cháu đang tuổi sung sức, đang phấn đấu cho sự nghiệp thì đột ngột ra đi không một lời trăn trối. Đau đớn lắm! Tôi thì mù lòa, các cháu còn nhỏ, một mình bà nhà tôi gánh vác, lo liệu hết, vừa chăm ông, vừa nuôi cháu. Chúng tôi chỉ sợ không sống được đến khi các cháu trưởng thành.”

Ký ức đau buồn hằn in mãi trong ký ức của bà cháu Hà. Ảnh: QD

Ở tuổi 70, một mình bà Thắm gồng gánh chăm chồng mù và hai cháu nội mồ côi. Không còn sức để làm ruộng, con cái đều khó khăn, hằng ngày, bà Thắm đi khắp làng trên xóm dưới gom nhặt ve chai, phế liệu bán. Cả nhà trông chờ vào 720.000 đồng chế độ người khuyết tật mỗi tháng của ông Hùng và 540.000 đồng chế độ bảo trợ xã hội đối với trẻ mồ côi của hai cháu Dương và Hà.

Ngồi nép sát vào người bà nội, Trương Ngọc Hà, 12 tuổi nói cháu chưa có ước mơ gì. Lúc bố mẹ mất, Hà còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi. Riêng Trương Ngọc Dương, 14 tuổi, học lớp 9 đã đủ lớn để hiểu nỗi đau khi không còn cha mẹ.

Thầy Lê Quang Cường - Hiệu trưởng trường THCS xã Hoằng Phong cho biết, ở lớp cả Dương và Hà đều được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi, riêng Hà từng đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.

“Ở trường, có khoảng 20 học sinh mồ côi nhưng trường hợp mất cả cha lẫn mẹ thì có anh em Dương và Hà. Đây là hoàn cảnh rất thương tâm nên nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Khi có các đoàn thiện nguyện về trường, về xã, chúng tôi luôn giới thiệu hoàn cảnh của Dương và Hà để các nhà hảo tâm giúp đỡ”, thầy Cường nói, đồng thời mong các tổ chức, cá nhân giúp đỡ để hai em tiếp tục có điều kiện học tập.

Hai anh em Dương và Hà mơ ước được thay chiếc xe đạp mới. Ảnh: QD

“Mỗi buổi sáng, ít nhất phải kiếm cho hai cháu mỗi đứa 5 ngàn đồng để ăn sáng trước khi đi học. Rồi quần áo, cặp sách, sửa xe đạp, học thêm… cho các cháu bằng bạn bằng bè…”, bà Thắm kể chi tiết từng khoản phải lo mỗi tháng. Vừa kể vừa khóc, giọng người phụ nữ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm chùng xuống như chính quãng đời lúc xế chiều của bà.

“Mỗi buổi sáng, ít nhất phải kiếm cho hai cháu mỗi đứa 5 ngàn đồng để ăn sáng trước khi đi học. Rồi quần áo, cặp sách, sửa xe đạp, học thêm… cho các cháu bằng bạn bằng bè…”, bà Thắm kể chi tiết từng khoản phải lo mỗi tháng. Vừa kể vừa khóc, giọng người phụ nữ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm chùng xuống như chính quãng đời lúc xế chiều của bà.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP