Trong các kỳ thi hiện nay, có hai kỳ quan trọng đối với học sinh là thi THPT quốc gia và thi tuyển sinh lớp 10. Vì tính nghiêm ngặt cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, hai kỳ thi được Bộ Giáo dục và các Sở Giáo dục đặc biệt coi trọng.
Khi giáo viên được lựa chọn ra đề thi
Được tham gia Hội đồng ra đề, in sao đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018, tôi thấy đó là những ngày thú vị trong quãng đời dạy học của mình.
Vì tính bảo mật nên ngay từ khi được lựa chọn, giáo viên đã được lãnh đạo Sở Giáo dục lưu ý là phải tuyệt đối bí mật với tất cả mọi người để không ai biết mình tham gia ra đề thi nhằm tránh người này, người kia nhờ vả và hạn chế tối đa những lời lẽ thị phi sau này. Ở trường học có giáo viên tham gia ra đề thi, chỉ giáo viên được điều động và Ban giám hiệu biết.
Việc liên hệ công việc trước khi ra đề đều được thực hiện qua điện thoại cá nhân giữa lãnh đạo Sở và giáo viên. Chỉ một email được gửi là quyết định triệu tập của Giám đốc Sở Giáo dục gửi về các Phòng Giáo dục và trường có giáo viên tham gia ra đề.
Xong công tác nhân sự, Hội đồng ra đề và in sao đề sẽ tổ chức họp toàn thể. Ngày họp Hội đồng đầu tiên gồm lãnh đạo Sở, giáo viên tham gia ra đề, cán bộ thanh tra và cán bộ an ninh được điều động từ công an tỉnh về làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngoài những người trực tiếp làm nhiệm vụ, không ai được tham dự.
Trong buổi họp, ngoài việc phân công nhiệm vụ, quy định ngày triệu tập ra đề, cách thức ra đề thì Phó giám đốc Sở (Chủ tịch Hội đồng) luôn căn dặn tính bí mật để kỳ thi được diễn ra an toàn nhất.
Trước khi kỳ thi diễn ra 7 ngày, các giáo viên tham gia ra đề, in sao đề tập trung tại Sở Giáo dục. Việc đầu tiên của cán bộ an ninh là kiểm tra hành lý giáo viên. Tất cả đồ đạc được kiểm tra chặt chẽ như hành lý của khách khi lên máy bay.
Giáo viên chỉ được mang theo tư trang cá nhân cần thiết và một số quyển sách chuyên môn. Tất cả điện thoại, thiết bị có thể quay phim, chụp hình, ghi âm, USB của giáo viên được công an thu giữ và niêm phong.
Sau đó giáo viên được đưa đến khu vực cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Những gương mặt cán bộ tham gia ra đề và in sao đề có phần căng thẳng như chuẩn bị bước vào “cuộc chiến”.
Thí sinh thi vào lớp 10 công lập năm 2017 ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành. |
Vào khu vực cách ly
Thời đại công nghệ thông tin, điện thoại quá quen thuộc với mọi người, không loại trừ giáo viên. Tuy nhiên, khi bước vào khu vực cách ly thì việc đầu tiên là phải làm quen với những ngày không điện thoại, không Internet.
Khu vực cách ly là một không gian riêng biệt, khép kín. Khi cán bộ, giáo viên bước vào đây thì mọi cánh cửa phòng đều khép lại. Ngay cả ô thoáng của nhà vệ sinh cũng được kéo sập xuống và niêm phong cẩn thận. Không một vật gì có thể được đưa ra ngoài nếu không có sự đồng ý của cán bộ an ninh.
Việc để lọt thông tin ra bên ngoài không chỉ đơn thuần giáo viên và Hội đồng ra đề thi bị kỷ luật mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành, sự tốn kém cho địa phương và quyền lợi của thí sinh tham gia kỳ thi. Vì thế, bên ngoài khu vực cách ly luôn có hai cán bộ an ninh và một cán bộ thanh tra giám sát.
Mỗi khi cần cái gì, giáo viên phải xin phép để nhắn qua cán bộ an ninh. Và từ cán bộ an ninh sẽ nhắn đến những bộ phận liên quan ở bên ngoài.
Hàng ngày, trong giờ nghỉ, những người sống trong khu vực cách ly chỉ theo dõi tin tức qua tivi hoặc vài tờ báo ngành, báo địa phương mà cán bộ an ninh đưa vào mỗi buổi sáng. Do sự thiếu thốn thông tin nên những tờ báo được chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại đến nhàu nát.
Những giáo viên lần đầu tham gia ra đề thi thường thấy ngột ngạt, bứt rứt, nhất là những giáo viên có con nhỏ, ít khi xa nhà. Giờ nghỉ, họ thể hiện sự nhớ nhung qua những câu chuyện về gia đình, về những đứa con đang ở nhà.
Nhưng nỗi buồn, sự tù túng cũng nhanh chóng trôi đi để nhường lại cho những ngày làm việc căng thẳng, đòi hỏi sự nghiêm túc, khách quan, và chính xác đến từng chi tiết trong việc ra đề, phản biện và in sao đề thi.
Tác giả: Nguyễn Đăng
Nguồn tin: Báo VnExpress