Giáo dục

Chuyển đổi bằng cấp tương đương để tránh lãng phí

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho rằng. Những bất cập trong quy định văn bằng chứng chỉ cần sớm được khắc phục. Với những ngành học tương đương cần cho phép chuyển đổi để tránh lãng phí thời gian, công sức của hàng vạn cán bộ, viên chức.

Ông Trần Huy Sáng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Theo ông Trần Huy Sáng, về chuyện học trung cấp chính trị, có một giai đoạn chúng ta đã quy định cho phép chuyển đổi tương đương, tức là một số trường đại học có nội dung chương trình học gần với chương trình trung cấp chính trị thì cho phép chuyển đổi như đại học luật, học viện báo chí.., không phải học để giảm lãng phí công sức, tiền bạc cho người học.

Cũng theo ông Trần Huy Sáng, cần duy trì quy định chuyển đổi tương đương giữa các trường có cùng chương trình đào tạo, có số lượng môn học, số tiết học tương đương. Ông Sáng ví dụ: “Đại học kinh tế quốc dân thời kỳ tôi học 2 năm đầu học khá đầy đủ các bộ môn về lý luận chính trị, nếu học lại trong chương trình trung cấp chính trị thì rất lãng phí. Tất nhiên cũng phải rà soát xem chương trình học của từng thời điểm của các trường có gần với nhau không”.

Đối với các quy định chứng chỉ, ông Trần Huy Sáng kiến nghị cần rà soát lại. Nếu là chương trình bồi dưỡng thì chỉ cần cập nhật thêm kiến thức và thông tin mới, hết sức tránh việc học lại kiến thức cũ, rất lãng phí thời gian. Với các chương trình bồi dưỡng kiến thức mà lại đặt thành phải là chứng chỉ thì rất khiên cưỡng, đẩy cán bộ, viên chức vào tình trạng học đi, học lại những nội dung cũ.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi: Trong chương trình đại học sinh viên đã phải hoàn thành chương trình ngoại ngữ và tin học, vậy tại sao khi vào cơ quan nhà nước làm việc lại phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học? Ông Trần Huy Sáng cho rằng cần rà soát lại quy định này. “Quy định về văn bằng chứng chỉ với cán bộ, viên chức nếu không được rà soát, điều chỉnh sẽ gây tốn kém về thời gian, hình thức và kinh phí nhưng khối lượng kiến thức rất ít. Đây thực sự là một căn bệnh hình thức”, ông Trần Huy Sáng nói.

Bà Nguyễn Thị Thùy, nguyên Trưởng ban VHXH, HĐND TP Hà Nội cho hay: quy định về văn bằng, chứng chỉ đã tồn tại nhiều năm qua và rất ít được cải tiến, thậm chí nhiều lĩnh vực còn bị tăng thêm văn bằng chứng chỉ. “Mỗi thời, mỗi giai đoạn có một tiêu chuẩn, chuẩn hóa khác nhau”, bà Thùy nói. Do quy định từ trên xuống, nên bản thân thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành khác đều phải thực hiện. “Tất nhiên, việc đi học các văn bằng, chứng chỉ đó tốn thời gian, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Một guồng máy đang hoạt động, giờ mất thời gian đi học thì công việc chuyên môn phải bị ảnh hưởng”. Theo quy định, các cấp độ công việc cũng cần các tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ khi mới đi làm hay làm chuyên viên thì có tiêu chuẩn khác, chỉ cần một vài văn bằng, chứng chỉ, nhưng khi lên quản lý thì phải có một số chứng chỉ khác theo tầng nấc, theo chức vụ, vị trí công tác.

Bà Nguyễn Thị Thùy khẳng định, quá trình làm việc, cán bộ, viên chức rất cần bổ sung thêm kiến thức nhưng quan trọng là học cái gì, học khi nào. “Học là cần thiết nhưng học cái gì và ai quản lý chất lượng học, chương trình học? Nếu giảng viên không cập nhật kiến thức thực tế cũng khó nói chuyện với học viên”, bà Thùy nói.

Tác giả: TUẤN MINH - TRƯỜNG PHONG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP