Trong nước

Chủ tịch Hà Nội: 'Bệnh tật rất âm thầm, dùng nước chưa sạch da cũng không thể đẹp'

'Dùng nước sạch chính vì sức khỏe của chúng ta chứ không phải câu chuyện giá, còn bệnh tật thì rất âm thầm. Tôi tin, dùng nước nhiễm mặn, dùng nước chưa sạch thì da cũng không thể đẹp, không thể sạch được', Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kêu gọi người dân nhiệt tình ủng hộ dùng nước sạch.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung

Sáng 6/9, Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.

6/11 dự án chậm triển khai

Là đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi đầu tiên, ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) nêu, trên địa bàn TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước, nhưng có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai.

“Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và nêu ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?”, ĐB hỏi.

ĐB Trần Việt Anh (quận Ba Đình) đề cập đến dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức). Theo, ĐB gần 6 năm, dự án vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, thậm chí một số hạng mục đã xuống cấp.

Giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Theo ông Dục, qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…

ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh)

Còn về dự án trạm cấp nước ở thị trấn Đại Nghĩa đang gặp vướng mắc, ông Dục cũng cho rằng là do khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đầu tư, còn Công ty Nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm nhưng lại không có nguồn.

Lỗi giải phóng mặt bằng hay năng lực chủ đầu tư?

Tiếp tục chất vấn, ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy) nêu, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch ở 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận do Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) làm chủ đầu từ được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành nhưng triển khai rất chậm.

“Đề nghị Chủ tịch UBND huyện cho biết nguyên nhân chậm, cũng như giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và có thể khẳng định thời gian hoàn thành?”, bà Thủy cũng đặt câu hỏi với Giám đốc Công ty Xuân Mai về trách nhiệm triển khai dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty Xuân Mai giải trình, dự án chậm là do công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Đồng thời kỳ vọng, quý II/2020 sẽ hoàn thành dự án.

Nghe vậy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh, chính quyền luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án và người dân rất cần nước sạch.

“Doanh nghiệp giữ dự án nhưng vốn thỏa thuận với ngân hàng chưa có. Làm sao có thể đạt được chỉ tiêu của HĐND TP khi doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính? Công ty Xuân Mai chưa triển khai dự án nên đề nghị TP kiểm tra, đánh giá năng lực doanh nghiệp”, ông Hùng phát biểu.

Ông Oanh cho biết, dự án chậm tiến độ 2 năm do chủ đầu tư “lúng túng” về nguồn vốn từ Nhà nước sang xã hội hóa.

Tuy nhiên, ông Oanh hỏi Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ từ năm 2013 đến tháng 6/2019 mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của Nhà nước hay trách nhiệm của doanh nghiệp theo quyết định của pháp luật, điều này cần làm rõ.

“Chúng tôi cam kết với TP sẽ hoàn thành tiến độ dự án vào quý II/2020”, ông Oanh nhấn mạnh.

Đóng sớm hơn lộ trình các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen

Tham gia giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, TP đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân trong đó có chất lượng nước sạch.

Toàn cảnh phiên giải trình

“Trong quá trình đô thị hóa, không lý do gì mà phường, xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau”, ông Chung nói.

Từ giữa 2016, TP đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư; yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có. Đáng chú ý, TP đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức.

“Công nghệ lọc nước này được áp dụng ở khu vực cạnh bãi rác Nam Sơn. Sau 6 tháng người dân đã được dùng nước sạch, nếu dùng phương án cũ việc kéo đường ống lên đến khu vực ít mất thời gian, tốn kém hơn rất nhiều”, Chủ tịch UBND TP phát biểu.

Về việc tại sao nước sạch đến nơi rồi mà có chỗ người dân chưa dùng, Chủ tịch UBND TP lý giải nguyên nhân là thói quyen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém.

Theo ông, việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm.

Cùng với đó, xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...

Chủ tịch UBND TP kêu gọi người dân nhiệt tình ủng hộ dùng nước sạch.

“Dùng nước sạch chính vì sức khỏe của chúng ta chứ không phải câu chuyện giá, còn bệnh tật thì rất âm thầm. Tôi tin, dùng nước nhiễm mặn, dùng nước chưa sạch thì da cũng không thể đẹp, không thể sạch được”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Ngay sau hội nghị, Chủ tich UBND TP cho biết, TP sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế...

Kết luận, theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần giải pháp mạnh mẽ hơn để 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI (2015-2020), bước đầu ghi nhận tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 37% năm 2016 tăng lên 65% năm 2019.

Tuy nhiên vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp, như Chương Mỹ 18%, Mỹ Đức 10%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 27%... Hiện còn khoảng 160/420 xã, thị trấn (38,1%) chưa có mạng cấp nước.

Ngoài ra, ở khu vực đô thị có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do sự cố như ở một số khu vực của quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước còn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân.

Tác giả: Hương Giang

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP