Trong nước

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Sáng nay 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, với nhiều vấn đề nóng như quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng...

Trước đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bắt đầu lúc 15 giờ chiều 6-11, tại Hội trường Diên Hồng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề trong lĩnh vực Công Thương tập trung vào công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời.

Trước đó, chiều 7-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đến 15 giờ, đã có 77 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Trong 5 phút báo cáo trước chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là lần thứ ba ông được trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội cũng như mỗi phiên chất vấn, Bộ Công Thương luôn xác định trách nhiệm của mình trong tiếp thu, thực hiện nghiêm kết luận của Quốc hội, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, hoàn thiện thể chế pháp luật.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về quản lý điều tiết điện lực; phát triển thị trường,...

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành nhiều lĩnh vực rất đa dạng. Bởi vậy, dù cố gắng, nỗ lực liên tục nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong thực thi, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. "Chúng tôi coi đây là cơ hội lắng nghe ý kiến của cử tri để giúp hoàn thiện hơn"- Bộ trưởng nói.

Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. "Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào"- đại biểu đặt vấn đề.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỉ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện. Ông cho biết Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. "Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua"- ông nhấn mạnh.

Đai biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi vừa qua, đã phát hiện liên tiếp những vụ cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc vào hàng hóa bán tại Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị... Như vậy có thể thấy Trung Quốc đã chuyển hướng cài cắm đường lưỡi bò vào hàng hóa, thậm chí là các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, đồ dùng học tập, ôtô… Xin hỏi Bộ trưởng và Chính phủ có biện pháp gì để rà soát vấn đề này, tránh thông tin sai trái truyền đạt một cách từ từ vào thế hệ trẻ và người dân Việt Nam?".

Trước đó, sáng và đầu giờ chiều cùng ngày 6-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường là vị "tư lệnh" ngành đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 này với nhóm vấn đề thứ nhất liên quan tới nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Gần 100 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Ngày mai 7-11, nội vụ là vấn đề thứ ba được các đại biểu Quốc hội chất vấn tập trung vào: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chịu trách nhiệm trả lời chính nội dung này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Nhóm vấn đề thứ tư liên quan tới lĩnh vực Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chính xoay quanh công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của 4 Bộ trưởng trên, cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan; Bộ trưởng các bộ khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ... sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, kỳ họp này tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nối tiếp những kết quả được đánh giá tốt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề. Người bị chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Tại kỳ họp này mỗi lượt có khoảng 3-4 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn. Đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn...

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội từ 15 giờ đến 16 giờ 45 ngày 8-11 (trong đó có 20 phút giải lao). Như vậy, thời gian chất vấn Thủ tướng sẽ được rút ngắn so với dự kiến trước đó (từ 14 giờ đến 16 giờ 45 chiều 8-11).

Tác giả: D.Ngọc

Nguồn tin: Người lao động

  Từ khóa: quốc hội , Bộ trưởng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP