Chị Nguyễn Thanh Hà, ở Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội, phụ huynh có con học lớp 1 cho biết: “Tôi đã đăng ký cho con tham gia chương trình này ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Lý do là cô giáo chủ nhiệm lớp có phổ biến rằng, trong sữa học đường sẽ có thêm một số vi chất như các vitamin, sắt và kẽm (không có trong sữa tươi thông thường) giúp trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ mà giá thành lại rẻ chỉ bằng ½ giá sữa đang bán trên thị trường”.
Cũng xuất phát từ niềm tin vào chất lượng sữa học đường nên nhiều phụ huynh tại Trường Tiểu học Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Hà Nội đã chọn cho con tham gia chương trình này dẫu rằng trường nằm ngay trong vùng sản xuất sữa.
Chất lượng sữa học đường vẫn còn là băn khoăn của nhiều phụ huynh Hà Nội. Ảnh minh họa: CTV. |
Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Phấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Trước đây, để biết được loại sữa nào phù hợp cho lứa tuổi học đường, nhà trường chủ yếu dựa vào thị hiếu của các con. Các con uống sữa nào thì nhà trường chọn cho các con loại đó. Tuy nhiên, nếu đề án sữa học đường triển khai thì chúng ta sẽ yên tâm hơn vì đấy là loại sữa mà chỉ dành riêng cho các nhà trường. Phụ huynh ủng hộ sữa học đường không phải chỉ vì giá rẻ mà quan trọng nhất là vì tin vào chuẩn chất lượng mà loại sữa này mang lại”.
Với tư cách là phụ huynh học sinh, PGS.TS Bùi Thị Nhung -Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng: Cá nhân bà rất ủng hộ chương trình này nếu như được triển khai đầy đủ và bài bản. “Với tôi, chất lượng của sữa là quan trọng nhất nên tôi hi vọng các bộ, ngành liên quan và cơ quan quản lý sẽ giám sát chất lượng sữa theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế” - PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết.
Rõ ràng, nhiều phụ huynh lựa chọn tham gia chương trình sữa học đường vì tin vào chất lượng sản phẩm, song theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi lẽ hiện sản phẩm sữa trong Đề án cũng mới chỉ được Bộ Y tế đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường. Quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.
Đại diện của một trong 3 hãng sữa lớn đang tham gia đấu thầu đề án sữa học đường của Hà Nội cũng thừa nhận: Nếu chúng ta có quy chuẩn rõ ràng về sữa học đường thì nhà trường và phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn. Cũng vì chưa có quy chuẩn chính thức nên trước băn khoăn của phụ huynh về loại sữa, hãng sữa nào được chọn, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã đặt hết niềm tin vào các hãng sữa lớn khi cho rằng: “Tôi tin chỉ những hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được việc cung cấp. Nếu chất lượng về sữa không đảm bảo, một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa gặp vấn đề thì thương hiệu đó có thể bị phá sản, thất thu”.
Hiện Hà Nội đã “chốt” được 3 đơn vị tham gia đấu thầu. Chỉ ít ngày nữa, đơn vị trúng thầu cũng sẽ được xác định. Thế nhưng, điều mà dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh băn khoăn vẫn là nếu chỉ cái tên thương hiệu thôi thì chưa đủ. Bởi lẽ, thực tế triển khai chương trình tại một số địa phương trong thời gian qua, đã có những trường hợp học sinh bị ngộ độc ngay cả khi dùng các sản phẩm sữa của các hãng có tên tuổi.
Tiếp sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai đề án sữa học đường. Nhiều ý kiến cho rằng, khi chương trình ngày càng lan toả thì càng cần thiết có một quy chuẩn kiểm soát chất lượng sữa. Nếu không thì mục tiêu Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt sẽ khó mà đạt được như kì vọng.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân