Trong nước

Thủ tướng giám sát đặc khu để không phải “xử” cán bộ khi việc đã rồi

Nói về quy định Thủ tướng lập Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng, cơ chế đó sẽ giúp tránh tình trạng phải xử lý cán bộ làm sai khi “việc đã rồi” nhưng Ban không nên hoạt động thường xuyên mà chỉ thực hiện giám sát theo chuyên đề…

Sáng 4/4, dự thảo mới luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được đưa ra để các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.

Đại biểu Tô Văn Tám – Kon Tum nhận xét, cơ cấu hoạt động chính quyền tại đặc khu là nội dung trọng tâm được tập trung thảo luận lần trước, với tranh cãi về việc có tổ chức HĐND hay không. Dự thảo luật mới lần này xác định đặc khu là một cấp chính quyền địa phương, đương nhiên có cả HĐND và UBND, theo ông Tám là phù hợp.

Đại biểu Tô Văn Tám

Đại biểu băn khoăn về quy định số lượng đại biểu HĐND đặc khu là 15 người nhưng lại không rõ về tỷ lệ hay số lượng tuyệt đối số đại biểu chuyên trách mà chỉ quy định chung chung “đa số là chuyên trách”, khi thực hiện dễ lúng túng.

Ngoài ra, việc duy trì cả 2 cơ quan Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tại đặc khu, theo ông Tám, cũng chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy đang triển khai hiện nay.

Về cơ chế Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu nhằm tăng sự giám sát của chính quyền TƯ tại đặc khu trong điều kiện Chủ tịch UBND đặc khu được trao thêm nhiều thẩm quyền so với Chủ tịch huyện thông thường, ông Tám nhận xét, quyền hạn giao cho Ban Tư vấn này tương đối lớn. Điều 80 của dự thảo luật quy định một loạt đầu việc mà Chủ tịch UBND đặc khu phải xin ý kiến Ban Tư vấn này.

Đại biểu lập luận, nếu Chủ tịch UBND đặc khu được bổ nhiệm thẳng từ Thủ tướng xuống thì việc có Ban tư vấn này rất quan trọng nhưng khi tại đặc khu đã có HĐND cùng cấp, rồi có rất nhiều cơ quan giám sát khác ở tỉnh thì việc có thêm Ban Tư vấn do Thủ tướng thành lập như vậy vô hình chung lại thêm ràng buộc với Chủ tịch UBND Đặc khu.

“Tôi thấy không cần thiết có Ban này nữa vì theo hệ thống đã có rất nhiều thiết chế kiểm tra, giám sát hoạt động của đặc khu rồi” – ông Tám nêu quan điểm.

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng quy định về chức năng nhiệm vụ Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu trong dự thảo luật chưa hợp lý luật đã chỉnh lý, xác định đặc khu là một cấp chính quyền có HĐND.

Bà Lan lập luận, luật cũng nêu quy định UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền quản lý tại đặc khu theo luật này và các luật khác, nghĩa là cấp tỉnh vẫn thực hiện đầy đủ quyền chỉ đạo với đặc khu như một cấp chính quyền trực thuộc. Như vậy đã đủ sức kiểm soát các hoạt động tại đặc khu theo các luật hiện hành.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)

Việc lập thêm Ban tư vấn của Thủ tướng đặt tại đặc khu, theo đó, cũng chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tại đặc khu. Có thêm Ban này, theo đại biểu Lan, là chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát, điều hành của nhiều cấp rồi, lại thêm một cơ chế khác, sẽ thành bó buộc.

Bà Lan cho rằng, tính chất hoạt động của Ban này là đối với những vấn đề lớn, có khả năng ảnh hưởng đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc phòng… của đặc khu cũng như của cả nước. Ở tầm đó thì cần giao thẩm quyền giám sát cho các cơ quan tham mưu của Chính phủ là các Bộ, ngành. Như vậy là Ban Tư vấn, nếu có, thì cũng không nên đặt tại đặc khu.

Chia sẻ quan điểm của bà Lan, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Uỷ viên UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) phân tích, mô hình mới của chính quyền đặc khu được thiết kế theo nguyên lý cân bằng quyền lực. Với các vấn đề lớn, đặc khu phải xin ý kiến Ban Tư vấn nhưng như vậy có nghĩa ban này không hoạt động thường xuyên mà nên thực hiện giám sát theo chuyên đề. Như thế sẽ giúp tránh tình trạng phải xử lý cán bộ làm sai khi việc đã xảy ra rồi mà cũng không làm “vướng chân” cơ quan điều hành trực tiếp tại đặc khu.

Ông Hoàng Quang Hàm cũng chia sẻ băn khoăn quanh quy định về ngân sách đặc khu (Điều 39). Theo dự thảo luật, đặc khu là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, cơ bản thực hiện theo luật ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ông Hàm cảnh báo, việc này sẽ rất khó triển khai trong thực tiễn vì như thế, nhiệm vụ thu chi của đặc khu sẽ phụ thuộc UBND cấp tỉnh nhưng việc sử dụng nguồn lực có được như nào lại hoàn toàn do đặc khu quyết định.

“Rất khó khi một ông là người lo nguồn trong khi ông khác lại toàn quyền tiêu, một ông thì tuỳ ý tính toán những việc cần nhưng giao tiền lại là ông khác. Việc điều tiết thế nào để đảm bảo quyền của đặc khu cũng không thể thực hiện khi UBND cấp trên lại khống chế về quy mô ngân sách, tỷ lệ điều tiết. Quy định như vậy sẽ không phát huy được quyền, không cân đối được ngân sách tỉnh, ngân sách đặc khu” – đại bểu phân tích.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP