Trong nước

Thủ tướng: Hơn 200 dự án, quy mô 65 tỷ USD tại khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng

Chiều nay (31/3), sau tuyên bố bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã chủ trì họp báo thông tin các nội dung quan trọng tại GMS 6 do Việt Nam làm chủ nhà.

Theo Thủ tướng, Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 25 năm hợp tác GMS hình thành và phát triển. Có thể khẳng định sau 1/4 thế kỷ, hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng đã khẳng định bản sắc riêng với chiến lược 3C - Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng.

“Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là hợp tác kết nối. Tiểu vùng Mekong mở rộng hiện đã là một khu vực năng động, hội nhập và có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thành tựu này cho thấy khát vọng và quyết tâm của các nước GMS xây dựng khu vực Mekong hoà bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và vì người dân. Trong chặng đường đó, ADB và các đối tác phát triển đã luôn đồng hành cùng các nước tiểu vùng nói chung và Việt Nam nói riêng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Hội nghị GMS 6 đã đề ra những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn, và khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS. Thủ tướng cho biết, Hội nghị đã thông qua 3 văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung của Hội nghị thể hiện cam kết chính trị, quyết tâm của các nước GMS nâng cao vai trò của cơ chế hợp tác này;

Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 căn bản định hướng các lĩnh vực trọng tâm và biện pháp hợp tác trong năm tới bao gồm việc thúc đẩy mở rộng mạng lưới hành lang kinh tế hiện nay; Khung đầu tư tiểu vùng 2022 là danh sách hơn 222 dự án hết sức cụ thể với quy mô khoảng 65 tỷ USD.

Đáng chú ý, Hội nghị cũng khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Trong bối cảnh các nước GMS hướng đến Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDG 2030 của Liên hợp quốc, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, hợp tác GMS cần xác định được tầm nhìn dài hơn nhằm xây dựng một khu vực GMS hội nhập và thịnh vượng. Đó cũng sẽ là một tầm nhìn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và các cuộc cách mạng công nghệ mang lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để phát huy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và đặc biệt là khu vực tư nhân vào hợp tác GMS, Việt Nam đã có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần đại biểu, với quy mô lên tới 2.000 người.

“Tại phiên toàn thể của Diễn đàn, tôi cùng Lãnh đạo các nước GMS khác, Chủ tịch ADB, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới và Tổng thư ký ASEAN đã trao đổi trực tiếp hết sức thẳng thắn và thú vị về chủ đề “Tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho khu vực GMS” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với vai trò là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Hội nghị có chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng” vừa kết thúc hết sức thành công.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP