Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chống bão lũ phải sát dân thay vì chỉ a lô nói miệng"

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. “Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới năm 2017, chúng ta đã thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Vì vậy, tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai... Chống bão lũ phải sát dân thay vì chỉ a lô nói miệng, chỉ đạo từ xa".

Ngày 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai (PCTT), trong bối cảnh những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp…

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, cá nhân, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhưng năm 2017 chúng ta vẫn chịu thiệt hại rất nặng nề với 386 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2017, đã huy động 443.740 lượt cán bộ, chiến sĩ (Bộ đội 144.985, DQTV 173.755, Công an 125.000) và 10.597 phương tiện các loại tham gia công tác PCTT.

Hiện nay, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 2.710km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày Hệ thống cảnh báo thiên tai.

Sau khi nghe ý kiến tham luận từ các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Trong chỉ đạo, điều hành, không để xảy ra tình trạng sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, Thủ tướng khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương là phải đảm bảo cuộc sống người dân trong bão lũ.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. “Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới năm 2017, chúng ta đã thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Vì vậy, tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và phải quan tâm đầy đủ đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó muốn giảm thiệt hại thì phải lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đầu tư phòng ngừa (chứ không chỉ quan tâm đến ứng phó, khắc phục), thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ””, Thủ tướng chỉ đạo.

“Chống bão lũ phải sát dân thay vì chỉ a lô nói miệng, chỉ đạo từ xa. Người dân nhiều khi tiếc con lợn, ôm lợn đi trên thuyền chòng chành lại thiệt hại về người”, Thủ tướng chia sẻ đồng thời yêu cầu các địa phương luôn chủ động phòng chống thiên tai, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Đưa ra giải pháp riêng cho các vùng miền, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý quy trình xả hồ đập, không để gây chết người do xả dồn dập. Di dời dân của khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn hồ đập vùng hạ du. Trong đó, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phải bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Nhiều tỉnh làm rất công phu như Thái Bình, Nam Định cần học hỏi kinh nghiệm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng nêu rõ, đối với khu vực miền núi bao gồm phía bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở đất, lũ quét, an toàn hồ đập, di dời dân là những vấn đề cần lưu ý nhiều trong chỉ đạo. Phải làm rõ quy trình vận hành liên hồ. Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phải bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, trong đó có hệ thống đê, “đừng để tình trạng ổ mối to như cái trống ở đê mà không biết, khi mưa rồi bục ra rồi chạy không kịp”.
Đối với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, có độ dốc lớn, do đó vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản cần chú ý. Đối với trên biển và ven biển, không được chủ quan, quy trình tàu vào-ra phải kiểm soát chặt chẽ, kết hợp giữa biên phòng và lực lượng phòng chống bão lụt ở địa phương, “đừng để tình trạng gọi mãi mà tàu không về!”.

Cần có phương án ứng phó trong tình huống xảy ra siêu bão. Đối với các đô thị lớn, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát tiêu chuẩn, khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt, hạn chế tối đa việc san lấp hồ để tạo mặt bằng xây dựng, giảm không gian chứa nước. Quan tâm việc chăm sóc cây xanh trong thành phố, không để tình trạng cây xanh đổ gây chết người như một số trường hợp đã xảy ra.

Tác giả: Ngọc Yến

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP