Chính quyền cùng nhà đầu tư đã thống nhất điều chỉnh dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, gắn liền với sự phát triển của thành phố biển Đà Nẵng.
Đã giao đất sạch
Dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô (tổ 42, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) được UBND TP.Đà Nẵng quy hoạch từ năm 2008. Thực hiện Quyết định (QĐ) “Quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô” số 7101/QĐ-UBND ngày 17-9-2010, chủ đầu tư là Công ty CP Trung Thủy – Đà Nẵng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Sau hơn 7 năm từ 2010 đến cuối 2017, UBND quận Liên Chiểu và Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng hoàn thành GPMB, di dời dân để bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, năm 2010 sau khi tiếp nhận dự án từ một doanh nghiệp khác thì Công ty CP Trung Thủy – Đà Nẵng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 63 tỷ đồng. Năm 2017, Đà Nẵng chi 110 tỷ đồng để giải tỏa, đền bù cho hơn 500 hộ dân. Dự án kéo dài là do phát sinh kinh phí đền bù.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2018 của UBND TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố, chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã thống nhất điều chỉnh dự án trên tinh thần tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng: mở rộng thêm các lối xuống biển rộng 4m để nhân dân sinh hoạt, du khách thuận tiện tham quan, tắm biển; lên phương án trùng tu, tôn tạo các di tích miếu bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn, lăng Ông Ngư, các giếng Chăm cổ… thành một quần thể di tích để phục vụ hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của người dân, góp phần tăng giá trị của điểm tham quan du lịch. Mọi hoạt động xây dựng, phát triển dự án không ảnh hưởng đến khu di tích.
Nhà đầu tư đã cùng với thành phố tạo cơ hội cho người dân kinh doanh buôn bán, làm du lịch; nghiên cứu cải tạo, nâng cấp khu dân cư để người dân cùng tham gia làm du lịch, dịch vụ, tham quan, ngắm cảnh; phục hồi nghề nước mắm Nam Ô. Chính quyền và nhà đầu tư thống nhất giữ lại nguyên trạng ghềnh Nam Ô, phục vụ du lịch sinh thái, đảm bảo cảnh quan môi trường tự nhiên”...
Đảm bảo lợi ích hài hòa
Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Thủy - Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã vận động các hộ chuyển đổi thuyền thúng đánh cá trong khu vực thành thuyền thúng phục vụ du lịch với sự hỗ trợ của công ty; cam kết đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong dự án; sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để địa phương, các ban ngành cùng người dân thực hiện chuyển đổi ngành nghề nếu bà con có nguyện vọng”.
Làng biển Nam Ô có vị trí địa lý đắc địa bên đèo Hải Vân, có phong thủy tốt, bao quanh khung cảnh hữu tình. Làng có truyền thống lịch sử hơn 700 năm, gắn liền với các giai thoại lịch sử, quá trình mở mang bờ cõi tiến về phía Nam. Chiều Nam Ô nắng đẹp, bờ biển mát rượi bên những rặng cây cổ thụ. Nhiều ngư dân đang sắm sửa lại lưới, ngư cụ để đêm khuya dong thuyền ra khơi đánh bắt hải sản.
Ông Lê Thôi (SN 1952, ngụ tổ 97 P.Hòa Hiệp Nam) cho biết: “Nghề biển và hậu cần nghề cá ở Nam Ô chủ yếu đánh bắt nhỏ lẻ, không có tàu lớn, không phát triển mạnh như các vùng biển khác nhưng Nam Ô có truyền thống lịch sử lâu đời, đã tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn người dân lâu nay. Hiện hàng chục hộ dân vẫn còn giữ lại thuyền thúng và vẫn bám nghề biển. Khi triển khai dự án, nếu chính quyền và chủ đầu tư có phương án tạo công ăn việc làm, hỗ trợ người dân tham gia dự án như kinh doanh buôn bán, làm du lịch, chuyển đổi ngành nghề… thì bà con mừng lắm”.
Nhà nghiên cứu Đặng Dùng – người được mệnh danh là nhà “Nam Ô học” cho biết: "Khi biết lãnh đạo Đà Nẵng điều chỉnh dự án, nhà đầu tư thực hiện trùng tu, bao tồn các di tích lịch sử, văn hóa, hỗ trợ người dân địa phương thì đa số bà con đều phấn khởi. Như vậy, phần hồn, phần cốt Nam Ô vẫn được lưu giữ, bảo tồn và được tăng cường, phát triển là điều đáng mừng”.
Nhà nghiên cứu Đặng Dùng cũng như nhiều người dân bày tỏ mong muốn thành phố cùng nhà đầu tư thực hiện đúng như những gì đã điều chỉnh, cam kết khi triển khai dự án để vừa lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống.
|
Ghềnh Nam Ô tại làng biển Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). |
Nghi lễ cầu ngư Nam Ô trong miếu Lăng Ông. |
Thuyền thúng của ngư dân ở ven biển Nam Ô. |
Ngư dân Lê Thôi (SN 1952, ngụ tổ 97, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). |
Tác giả: PVCĐ
Nguồn tin: Báo Công an TP Hồ Chí Minh