Tin địa phương

Đà Nẵng: Các cơ sở vi phạm ATTP bị phạt gần 200 triệu đồng

Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng cho biết, trong quý 1/2018, các cấp, ngành thanh tra, kiểm tra gần 2.600 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; qua đó xử phạt gần 90 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 188 triệu đồng.

Trong 3 tháng đầu năm, Cảnh sát môi trường Công an thành phố điều tra, phát hiện 42 vụ vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt gần 180 triệu đồng.

Ban Quản lý ATTP đã lấy 93 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu, qua đó phát hiện 9 mẫu không đạt yêu cầu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (trong rau, củ, quả) và không đạt chỉ tiêu kim loại nặng thủy ngân (trong thủy, hải sản).

Ban Quản lý ATTP kiểm tra các bếp ăn tại các KCN

Và các cấp quận, huyện, phường, xã đã kiểm tra gần 2.400 cơ sở; các sở, ngành kiểm tra 11 cơ sở và Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra 8 cơ sở.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, công tác quản lý ATTP tại một số quận chưa được quan tâm đúng mức, cán bộ làm công tác ATTP kiêm nhiệm và thường luân chuyển. Việc phát hiện thực phẩm mất an toàn chủ yếu thông qua kiểm nghiệm nhưng nhiều chỉ tiêu chưa có cơ sở xử lý vi phạm vì chưa có phòng kiểm nghiệm được chỉ định xét nghiệm chỉ tiêu đó.

Ngoài ra, việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho từng nhóm, mặt hàng, chất cấm sử dụng trong thực phẩm chưa kịp thời gây trở ngại trong quá trình phát hiện xử lý hành vi vi phạm.

Tại hội nghị giao ban bảo đảm công tác ATTP quý 1/2018 (19/4), ông Hồ Kỳ Minh Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc bảo đảm ATTP; đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền bảo đảm ATTP, tập trung cao điểm trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2018”; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác ATTP của quận, huyện và cán bộ ban quản lý các chợ, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; đẩy mạnh giám sát ngành hàng chế biến nông – lâm sản (tồn dư hóa chất, chất phụ gia trong chế biến thực phẩm); tiếp tục tổ chức kiểm tra điều kiện và lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP của cơ sở đã đăng ký tham gia chương trình thí điểm cam kết cung ứng thực phẩm an toàn.

Qua đây, Lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ATTP trong mùa lễ hội và du lịch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân và du khách.

Song song đó, nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 (diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2018), Ban Quản lý ATTP thành phố đã và đang tiến hành kiểm tra 39 trong tổng số 74 bếp ăn tập thể tại KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm và An Đồ kể từ ngày 17/4 đến hết tháng hành động.

Đoàn đã ghé kiểm tra bếp ăn tập thể của Nhà máy Công ty CP Sữa Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Tại đây, lực lượng chức năng thử nhanh độ dầu mỡ, tinh bột trong các dụng cụ đựng thức ăn, cách bảo quản thực phẩm tươi sống, tình trạng vệ sinh tại khu nhà ăn. Ông Phan Văn Tuấn Mạnh – Trưởng ban HCNS cho biết: Đây là bếp ăn tập thể do công ty tự tổ chức nấu ăn cho các CBNV, không phải là kinh doanh không mang lại lợi nhuận về kinh tế đã được thể hiện trong thực đơn. Công ty đã thực hiện bản cam kết bảo đảm ATTP, hồ sơ giấy tờ hợp lệ và hợp pháp. Nguyên liệu đầu vào có chứng minh được nguồn gốc, có sổ kiểm thực ba bước, nguyên liệu nhập, chế biến lưu mẫu đầy đủ. Địa điểm môi trường phù hợp với quy mô suất ăn.

Tại Công ty TNHH KAMUI Việt Nam đoàn cũng kiểm tra quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, các thủ tục hành chính, giấy chứng nhận.

Kiểm tra bước đầu cho thấy, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về ATTP. Một số vấn đề tồn tại không đáng kể, chúng tôi chỉ nhắc nhở để đơn vị làm tốt hơn chứ mức độ vi phạm chưa tới mức bị xử lý”, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Thanh tra, Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết.

Trong đợt kiểm tra lần này, lực lượng chức năng sẽ rà soát các giấy chứng nhận, việc sắp xếp mặt bằng nhà ăn cho người lao động, điều kiện cấp thoát nước, xử lý nước thải cũng như kiểm tra phương án dự phòng ứng cứu trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại các bếp ăn.

Tác giả: HÀ HẢI

Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP