Tin địa phương

Vì sao Đà Nẵng dừng triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT?

Đà Nẵng tạm dừng triển khai các hạng mục liên quan đến xe buýt nhanh BRT, tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Hệ thống xe buýt trợ giá tại TP. Đà Nẵng

Sáng 12/4, tại kỳ họp thứ 17, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, vay vốn ngân hàng Thế giới (WB).

Đáng chú ý, tại tờ trình này, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT và tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Hệ thống xe buýt nhanh BRT là Hợp phần 2 trong 5 Hợp phần của Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng. Đến nay, Hợp phần 2 mới chỉ đạt 33% khối lượng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng cho xe buýt trợ giá của thành phố. Nhưng chưa hoàn thành hạ tầng phục vụ hệ thống xe buýt nhanh BRT như: Xây dựng hệ thống vé thông minh, hệ thống tín hiệu giao thông ưu tiên và cải tạo lại các nút tổ chức giao thông…

“Đây là hợp phần quan trọng để phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt. Theo Dự án ban đầu, Hợp phần 2 với nội dung thực hiện Thí điểm hệ thống xe buýt nhanh (gồm 1 tuyến buýt BRT, 2 tuyến bổ trợ kết nối du lịch tại Hội An và Bà Nà”, UBND TP. Đà Nẵng cho hay.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết thêm, sau khi dự án được phê duyệt năm 2013, tất cả các gói thầu của Hợp phần 2 được phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đảm bảo tiến độ 8 gói thầu; triển khai đấu thầu, ký hợp đồng và thi công 6 gói thầu từ năm 2016, 2017, 2018.

Tuy nhiên, qua đánh giá nhận thấy việc đưa xe buýt nhanh vào thí điểm trong giai đoạn hiện nay sẽ có những bất cập do dự báo sản lượng hành khách của BRT chưa đạt yêu cầu, chưa có bãi đỗ xe cá nhân, thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng của người dân chưa cao…

“Điều này dẫn đến việc triển khai hệ thống BRT lúc này chưa mang lại hiệu quả xã hội, chống ùn tắc mà sẽ tăng chi phí trợ giá, trở thành gánh nặng cho ngân sách thành phố, tạo dư luận không tốt về hiệu quả đầu tư”, UBND TP. Đà Nẵng cho biết.

Tờ trình này cũng nêu, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và WB thống nhất cho phép chuyển hệ thống buýt nhanh BRT thành hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Việc điều chỉnh Hợp phần 2 dẫn đến các hạng mục hồ sơ kỹ thuật phục vụ cho hành lan tuyến BRT cần thời gian điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán, đấu thầu và thi công công trình.

Đến nay hồ sơ thiết kế điều chỉnh hồ sơ thiết kế cơ bản đã được phê duyệt. Khoảng thời gian còn lại của dự án chưa đầy 3 tháng sẽ không kịp triển khai đấu thầu, thi công, mua sắm và hoàn thành nghiệm thu đưa hệ thống xe buýt chất lượng cao vào hoạt động.

Từ những vướng mắc trên, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất giảm mức độ đầu tư, tạm thời ngừng triển khai đấu thầu và thi công các công trình, hạng mục mới liên quan đến hệ thống xe buýt nhanh (bao gồm hệ thống vé, giao thông thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên…) mà chỉ tiếp tục triển khai thi công một số hạ tầng cơ bản xe buýt trợ giá để đảm bảo hoàn thành toàn bộ các điểm đầu - cuối phục vụ 12 tuyến buýt trợ giá.

Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng gồm 5 hợp phần: Cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải; Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) thí điểm; Các đường chiến lược đô thị; Tăng cường năng lực hỗ trợ thực hiện dự án; Các hạng mục được chuyển từ Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên.

Đây là dự án nhóm A, do Ngân hàng thế giới tài trợ. Đến nay, tổng khối lượng dự án của cả 5 hợp phần đạt 84% với kinh phí 185,63 triệu USD, tương đương 4.269 tỷ đồng.

Tác giả: Vĩnh Nhân

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: buýt nhanh BRT , xe buýt , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP