Mấy năm gần đây, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối của xã hội. Sau khi các vụ xâm hại, ấu dâm xảy ra gần đây, việc tuyên truyền cách phòng chống xâm hại cho học sinh đang được đẩy mạnh trong trường học.
Nhiều trường học tại Đà Nẵng dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục qua những buổi thực hành (Ảnh: Thanh niên) |
"Thứ nhất là không tiếp xúc với người lạ. Thứ 2 là không nhận quà vặt của người lạ. Thứ 3 nếu có gặp người lạ thì phải chạy thật xa và báo cho người lớn".
"Mỗi thứ hai chào cờ đầu tuần, trường em lại trưng bày những bài vẽ. Thầy tổng phụ trách dạy chúng em những bài học thông qua những bức vẽ".
Đó là chia sẻ của hai em Lương Bích Hiếu và Huỳnh Ngọc Khánh Dung, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng sau khi được học cách nhận biết và phòng chống xâm hại với trẻ em.
Qua những buổi vẽ tranh tại trường, các em được thầy cô giảng về phòng chống xâm hại cho bản thân bằng nhiều cách như lồng ghép trong các buổi chào cờ vào sáng thứ 2 hàng tuần hoặc buổi sinh hoạt lớp vào thứ 7.
Thầy giáo Lê Tần Hoàn, trường THCS Lý Tự Trọng cho biết mình xây dựng giáo án bằng phương pháp vẽ tranh kết hợp giảng dạy. Những kiến thức về sự riêng tư của cơ thể, cách phòng chống khi kẻ gian có ý đồ xấu, cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp tình huống khẩn cấp được thể hiện sinh động qua các bức tranh, giúp học sinh tiếp nhận dễ dàng.
"Tôi luôn xây dựng những bài giảng cảm thấy hiệu quả nhất, thiết thực nhất, để xây dựng được tình bạn đẹp. Bên cạnh đó, các em cần phải biết có những kỹ năng về phòng chống xâm hại. Các em biết được xâm hại tình dục trẻ em là gì? Cách phòng chống xâm hại như thế nào", thầy Hoàn nói.
Hình minh họa giúp các em ghi nhớ để phòng chống xâm hại tình dục |
Theo cô giáo Lê Thị Ánh Linh, trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đối với lứa tuổi tiểu học việc đầu tiên phải giúp các em phân biệt được đâu là hành vi xâm hại trẻ em. Cần phải dạy trẻ nhận biết các bộ phận cơ thể, dạy trẻ sự khác biệt giữa giới tính nam và giới tính nữ, không được cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm và ngược lại, cần phải nói cho cha mẹ biết khi thấy dấu hiệu bất thường trong cơ thể.
Cô giáo Lê Thị Ánh Linh cho biết: "Bên cạnh những bài học giáo dục kỹ năng sống thì chúng ta còn phải tuyên truyền, giáo dục các em có những kỹ năng thích ứng như thế nào để đối phó lại những hành vi bạo lực".
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, thành phố hiện có hơn 200.000 trẻ em. Từ năm 2015 đến tháng 6 năm nay, có 65 trẻ em tại thành phố bị xâm hại. So với giai đoạn 2011- 2015 đã giảm 54 trẻ bị xâm hại. Để bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em, các cơ sở giáo dục tại thành phố thực hiện tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vào các hoạt động giáo dục, chương trình giảng dạy ở các cấp, bậc học.
Bà Trần Đặng Bích Thuận, cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm qua, quận cũng tranh thủ huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em tại trường học và cả trong các khu dân cư.
"Trong 2 năm gần đây, riêng quận Sơn Trà là không có trẻ em bị xâm hại tình dục. Có 9 cuộc tuyên truyền tại 2 phường có hơn 6.000 trẻ và phụ huynh tham gia. Còn các trường học thì đều tổ chức các cuộc tuyên truyền", bà Thuận cho biết./.
Tác giả: Phương Cúc
Nguồn tin: Báo VOV