Tại buổi trao Cờ thi đua cấp Bộ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định: Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng, mà còn góp phần vào sự lớn mạnh của ngành KH&ĐT của cả nước.
Là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cân đối vốn đầu tư công, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thành phố động lực miền Trung. Vai trò của ngành KH&ĐT được thể hiện rõ trong công tác thu hút đầu tư, khi Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư của những con “sếu đầu đàn”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (ngoài cùng bên phải) tặng Cờ thi đua cấp Bộ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019. |
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng chia sẻ, Sở đã chủ động đổi mới trong tư duy và hành động trong công tác thu hút đầu tư. Giai đoạn 2015 - 2020, xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để tạo động lực phát triển, Sở KHĐT đã phối hợp với đơn vị tham mưu lựa chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, tổ chức thành công Tọa đàm mùa xuân. Nhờ đó, trong giai đoạn này, có 50 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 63.000 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Đà Nẵng đã thu hút 510 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 337 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 115 ngàn tỷ đồng và 855 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,476 tỷ USD.
Top 5 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố Đà Nẵng hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, đảo British Virgin và Hàn Quốc. Riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, Nhật Bản (424,65 triệu USD), Singapore (207,69 triệu USD), Hàn Quốc (137,92 triệu USD) là 3 đối tác lớn nhất đầu tư vào thành phố.
Trong 5 năm, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố thu hút được 6 dự án ODA với tổng vốn 351,4 triệu USD từ các dự án vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) với số vốn 284,7 triệu USD; dự án từ Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (OFID) với số vốn 45 triệu USD; dự án của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) có giá trị 10 triệu USD; dự án sử dụng vốn ODA với cơ chế tài chính trong nước 11,7 triệu USD. Tỷ trọng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chiếm khoảng 2,71% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 10,26% tổng vốn ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2015 - 2020, thành phố huy động tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 193,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3%/năm, trong đó năm 2020 ước đạt 42.135 tỷ đồng, chiếm 36,7% so với GRDP thành phố và gấp 1,3 lần so với năm 2015. Đến năm 2020, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước (dân cư, tư nhân) chiếm 64,3%, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 15%.
“Những con số trên đã minh chứng cho thay đổi về môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại TP. Đà Nẵng. Đạt được điều này là nhờ chính sách đúng đắn, sáng tạo, kiên định trong điều hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực để phát triển của thành phố”, bà Tâm chia sẻ.
Kiên định mục tiêu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngành KH&ĐT đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư tốt cho thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, Sở đã phối hợp và tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư”; trong đó, Sở là cơ quan đầu mối, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tiến độ tổng thể thực hiện các thủ tục đầu tư. Sở cũng tham mưu UBND thành phố ban hành “Quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố”.
Những nỗ lực đó của Sở KH&ĐT đã đưa Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ở Việt Nam, được doanh nghiệp đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng từ năm 2015 đến nay luôn nằm trong Top 5 và được xếp trong nhóm “Tốt”, “Rất tốt” của cả nước; một số tiêu chí có nhiều chuyển biến tích cực và thay đổi về chất trong 2019. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 5 năm qua tăng cao với 21.332 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 102.183 tỷ đồng cho cả giai đoạn. Lũy kế đến nay trên địa bàn thành phố có 31.069 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 213.900 tỷ đồng.
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, Đà Nẵng còn đặt mục tiêu cao hơn để trở thành trung tâm khởi nghiệp ở Việt Nam. Bà Trần Thị Thanh Tâm cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020”; Đề án “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2035”. Đây là cơ sở để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2015 - 2020.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng”; thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng. Đây là Hội đồng Điều phối đầu tiên trong cả nước được thành lập để giúp Chủ tịch UBND thành phố quy hoạch, thẩm định, xét chọn, xúc tiến, điều phối, hỗ trợ tổ chức các chương trình, đề án, dự án về khởi nghiệp.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng theo mô hình hợp tác công - tư đầu tiên trong cả nước. Tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố đến năm 2025”.
“Sở KH&ĐT thành phố đã thực sự vượt lên chính mình, tiên phong đổi mới tư duy và hành động có hiệu quả. Quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố có lúc, có thời điểm xuất hiện những “điểm nghẽn”, nhưng Sở KH&ĐT đã nỗ lực cùng với các sở, ngành của thành phố quyết liệt khơi thông điểm nghẽn; giải phóng nguồn lực để đưa thành phố Đà Nẵng ngày phát triển, đóng góp vào thành công chung của ngành KH&ĐT cả nước”, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng khẳng định.
Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn tin: baodautu.vn