Giáo dục

Nhìn thẳng vào việc tăng lương giáo viên

Bộ GD-ĐT đang đưa ra đề xuất lương của nhà giáo sẽ xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp. Thế nhưng, điều cần làm là nhìn thẳng vào xem lương giáo viên hiện nay “thấp” ở nhóm đối tượng nào.

Theo báo cáo của quận Phú Nhuận, TPHCM vào cuối năm 2016, thu nhập của giáo viên cao nhất là gần 15.250.000 đồng/tháng đối với người có thâm niên trên 20 năm.

Cụ thể, đối với bậc THCS mức cao nhất đối với giáo viên có thâm niên từ 20 năm trở lên là 15.249.073 đồng và thấp nhất ở mức 8.634.372 triệu đồng. Ở bậc tiểu học giáo viên có thời gian công tác trên 20 năm, mức thu nhập cao nhất là trên 14,5 triệu đồng và thấp nhất là gần 8,84 triệu đồng.

Giáo viên mới ra trường có mức khởi điểm rất thấp (ảnh minh họa)

Đối với thu nhập của ban giám hiệu nhà trường, ở bậc tiểu học mức thu nhập cao nhất là trên 20,7 triệu đồng và thấp nhất 10,8 triệu đồng. Bậc THCS, lãnh đạo nhà trường có thu nhập cao nhất nằm ở con số gần 21,9 triệu đồng và thấp nhất gần 13,8 triệu đồng.

Một quận của TPHCM không đại diện phổ quát cho mức thu nhập của giáo viên do mức thu nhập này còn gồm nhiều khoản gồm lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, chính sách hỗ trợ và các khoản khác.

Thế nhưng có thể thấy cần phải nhìn thẳng, lương giáo viên không thể chỉ nhắc đến lương mà phải nói đến thu nhập. Và so với nhiều ngành nghề trong hành chính sự nghiệp thì mức thu nhập của giáo viên lâu năm không phải quá thấp như chúng ta vẫn thường nghe.

Nhưng vấn đề cần quan tâm nhiều nhất chính là mức thu nhập của đội ngũ giáo viên mới ra trường do mức lương khởi điểm rất thấp trở thành cản trở đối với nhân lực ngành giáo dục.

Tiếp tục dẫn chứng ở quận Phú Nhuận, giáo viên THCS có thời gian công tác 1 - 5 năm, thu nhập cao nhất là gần 5,9 triệu và mức thấp nhất chỉ 3,3 triệu đồng. Ở tiểu học khá hơn chút đỉnh, giáo viên có thời gian công tác 1 - 5 năm, cao nhất là trên 9 triệu và thấp nhất xấp xỉ 4,75 triệu đồng.chỉ

Còn theo báo cáo của Q.6, TPHCM thì giáo viên mới ra trường, mức thu nhập chỉ trong khoảng 2 – 4 triệu đồng. Và với mức lương này, nếu không dạy thêm hay có các nguồn “viện trợ” từ người thân thì ngoài việc đi dạy, giáo viên trẻ sẽ phải xoay đủ nghề để trang trải cuộc sống cơ bản. Hay sống theo kiểu “cầm hơi” để lên lớp.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, TPHCM cho hay, khó khăn nhất với ngành giáo dục bây giờ là giữ chân được giáo viên trẻ, mới ra trường. Đội ngũ này biến động rất lớn, nhất là bậc mầm non, họ có thể đi dạy thời gian là nghỉ việc không thương tiếc vì thu nhập quá thấp. Mức lương của một giáo viên mới ra trường cao nhất chỉ 3 triệu đồng, họ không thể nào sống được ở thành phố khi nhiều khoản chi phí, nếu là giáo viên ngoại tỉnh phải thuê trọ ít nhất đã 1,5 triệu đồng.

Mới đây, tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục khu vực phía Nam, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Luật TPHCM - thành viên nhóm soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng nhấn mạnh, cải thiện lương giáo viên phải đề cập đến lương khởi điểm hiện quá nay quá thấp, chứ đừng chờ đến 20 năm sau. Mà lương khởi điểm thấp sẽ không thu hút được những người có năng lực vào nghề giáo.

Giáo viên phải chờ thời gian rất dài để được tăng lương nên ngành giáo dục rất khó thu hút và giữ chân được người giỏi (Ảnh minh họa)

Một đại diện khác trong ban soạn thảo nhóm soạn thảo Luật Giáo dục cho biết xem xét lương giáo viên là việc phải làm vì thực tế hiện nay lương giáo viên được xếp vào bậc lương rất thấp.

Bà thông tin, giáo viên là viên chức dạy ở mầm non và tiểu học thì thuộc nhóm viên chức AO. Nhóm viên chức AO thì có tới 10 thang bậc lương mà chúng tôi tính ra, một giáo viên mầm non, tiểu học khi mới ra trường đặt vào bậc lương thấp nhất thì phải sau 24 năm họ mới đạt được hết bậc lương của thang bậc lương này. Cụ thể là 24 năm họ chỉ được tăng 2.680.000 đồng.

Thế nên theo bà, trong vấn đề tăng lương cho giáo viên, cần giải quyết câu hỏi: Tăng nhưng là tăng như thế nào? Phương án đang được xem xét, khi một giáo viên được nhận vào viên chức, thay vì xếp ở bậc lương thứ nhất trong thang bảng lương mà họ đứng thì sẽ xem xét xếp vào bậc thứ 2. Ngoài ra, cũng cần xem lại tiêu chuẩn và điều kiện để thay đổi ngạch lương cho giáo viên vì hiện nay còn rất khó.

Còn mức tăng lương hiện nay, mức tăng chỉ 0,21 - 0,23%, người này cho rằng thời gian quá dài so với độ tuổi lao động, nhất là trong ngành giáo viên nữ rất đông, độ tuổi lao động ngắn hơn.

Việ tăng lương, cần chú ý đến việc tăng lương khởi điểm, tăng cho đội ngũ giáo viên trẻ để họ có điều kiện và động lực để bám nghề. Nói hài hước như một giáo viên thì bây giờ phải khi sắp hết tuổi nghề, lương giáo viên mới “nhích” lên chút đỉnh thì đã đến lúc… về hưởng lương hưu.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP