Lương thấp, giáo viên “dấm dúi” dạy thêm
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều Luật giáo dục với sự tham gia của 15 Sở GD-ĐT phía Nam sáng 12/12 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Góp ý về nội dung tiền lương của giáo viên, ông Trần Ngọc Long, THPT huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết khi thấy dự thảo sửa đổi luật giáo dục nêu vấn đề lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp các giáo viên như ông rất mừng.
“Đây là điều mong chờ của hàng triệu giáo viên hiện nay. Nâng lương cho giáo viên là điều kiện quan trọng tạo lực cho thầy, cô giáo nhưng quan trọng hơn là tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở”.
Ông Trần Ngọc Long, THPT huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết rất mừng khi dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đề xuất tăng lương cho giáo viên |
Còn ông Phan Sỹ Quang, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông thì cho rằng, “không chỉ có giáo viên mừng mà những người làm quản lý như chúng tôi cũng rất mừng khi nghe dự thảo luật đề xuất tăng lương. Bởi vì nếu đời sống của giáo viên được đảm bảo thì họ sẽ tập trung vào công tác chuyên môn tốt hơn, vị thế người thầy cũng nâng lên và các tiêu cực bên ngoài sẽ hạn chế.
Tuy nhiên tăng lương thì chúng tôi cũng chưa hình dung mức độ tăng sẽ như thế nào, có đáp ứng được mức sống tối thiểu của giáo viên hay không?”.
Ông Phan Sỹ Quang, Sở GD-ĐT Đắk Nông phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi |
“Hiện nay lương của giáo viên không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu vì tiền chưa ra khỏi túi thì giá cả đã tăng cao vọt lên trước. Bấy lâu nay, những người quản lý ở các trường phổ thông cũng rất đau đầu với bởi lương không đủ nên giáo viên phải bươn chải thêm bên ngoài, phải dạy thêm “dấm dúi” bên ngoài mới có đủ thu nhập nuôi gia đình. Chúng tôi cũng rất băn khoăn bởi nhiều giáo viên đi dạy vài chục năm như thu nhập rất thấp. Vì vậy nên tăng lương như thế nào để đảm bảo đời sống tối thiểu cho giáo viên hơn là tăng ở bậc cao nhất” - ông Sỹ Quang bày tỏ.
Không chỉ nêu lên những băn khoăn của vấn đề lương thấp, ông Bùi Văn Hoà, hiệu trưởng một trường THCS ở Đồng Nai còn chỉ ra những bất cập trong chính sách cho người làm quản lý ở phòng giáo dục. “Tôi từng được lãnh đạo ngành mời làm ở phòng giáo dục đào tạo nhưng tôi từ chối khéo vì khi làm quản lý chế độ phụ cấp thâm niên sẽ mất, thu nhập giảm, mất thời gian và không có hè như giáo viên”.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng Anh, quận 5 (TP.HCM) cho rằng, khi lên làm cán bộ phòng giáo dục, lãnh đạo trường hoặc giáo viên sẽ mất gần nửa thu nhập so với ở cơ sở. Trong khi đó áp lực, trách nhiệm với công việc nhiều hơn nên không mấy người mặn mà.
Ông Bùi Văn Hòa đề nghị rằng “Để khắc phục tình trạng giáo viên giỏi không muốn lên làm chuyên viên hoặc quản lý, dự thảo sửa đổi Luật giáo dục nên định nghĩa lại khái niệm nhà giáo, bao gồm không chỉ là người đứng lớp mà phải gồm cả người làm chuyên viên, cán bộ quản lý cấp phòng giáo dục trở lên”.
Nhiều cơ sở để tăng lương giáo viên
Trao đổi lại với các đại biểu góp ý tại hội nghị, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Luật TP.HCM - thành viên nhóm soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi, cho rằng đề xuất xếp lương giáo viên ở thang bậc cao nhất không phải là sự ngẫu nhiên mà chính sách rất hợp lý. Còn vấn đề “tiền đâu và tăng như thế nào” hiện nay nhóm soạn thảo đang tiến hành thực hiện.
Bà Dung lý giải việc nhóm soạn thảo đề xuất xếp lương cho giáo viên cao nhất vì lương khởi điểm của giáo viên hiện nay rất thấp, dẫn tới việc không thu hút được người tài vào nhà giáo.
TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định có nhiều cơ sở để đề xuất tăng lương cho giáo viên |
“Chúng tôi đã đưa ra một số cơ sở cho đề xuất này. Thứ nhất, sắp tới các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ tự chủ tài chính, do đó đội ngũ viên chức nhà giáo trong các đơn bị này trong không hưởng ngân sách nhà nước và nguồn ngân sách này sẽ chuyển về cho bậc phổ thông, tiểu học, mầm non. Thứ hai, ảnh hưởng của cách mạng 4.0 số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục sẽ giảm, điều này sẽ tiết kiệm được nhân sự, giảm biên chế trong các đơn vị. Thứ ba, Bộ GD-ĐT sẽ cấu trúc lại ngân sách cho giáo dục", bà Dung chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài Chính, cũng cho biết bản thân cũng tâm tư vấn đề lương giáo viên cách đây mấy chục năm. Vấn đề tiền lương như thế nào để giáo viên tập trung vào dạy người.
“Nhà nước đã dành 20% ngân sách cho giáo dục đào tạo là một con số không ít vì vậy ngành giáo dục phải tiếp tục giữ "1/5 miếng bánh" ngân sách này bằng cách chứng minh cho xã hội ngân sách này dành cho giáo dục là xứng đáng. Đó là ngành giáo dục phải làm những việc như cải cách giáo dục, đổi mới cách dạy cách học, nhà giáo cũng phải thay đổi để phù hợp vì vậy việc tăng lương cho nhà giáo là hợp lý.
“Chúng tôi đang đề nghị chuyển đầu từ giáo dục bậc cao xuống giáo dục bậc tấp. Tiền từ giáo dục cấp cao chuyển cho giáo dục bậc thấp. Ở bậc đại học, một số ngành khoa học cơ bản nhà nước vẫn phải đầu tư, những ngành xã hội cần sẽ chuyển sang ngành dịch vụ. Còn bậc học thấp là cái nền của giáo dục”, bà Nguyệt nêu.
Tại hội thảo sáng nay, đại biểu đến từ 15 Sở GD-ĐT phía Nam cũng góp ý về vấn đề nâng cao chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, nâng từ trung cấp lên cao đẳng; vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến việc miễn học phí bậc THCS; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; xã hội hóa giáo dục...
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí