Xe

Nguyên nhân và cách khắc phục động cơ ôtô quá nhiệt

Động cơ quá nóng thậm chí bốc khói là "bệnh" của nhiều ôtô. Nếu không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để khắc phục, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của xe.

"Thủ phạm" khiến động cơ xe ôtô bị nóng?

Thiếu dầu động cơ

Dầu nhớt có nhiệm vụ bôi trơn các chi tiết trong động cơ, lọc các chất bụi bẩn, mạt kim loại, giảm thiểu lực ma sát tạo thành giữa các pít-tông và xy-lanh trong quá trình làm việc, đồng thời hạn chế bào mòn các chi tiết này trong môi trường nhiệt độ cao.

Vì vậy, trong quá trình sử dụng, dầu nhớt không được thay hay kiểm tra thường xuyên dẫn đến bị khô, khiến động cơ xe làm việc nhanh nóng máy và bị quá nhiệt.

Ống dẫn nước bị hư

Bộ phận này có vai trò dẫn nước làm mát cho động cơ ôtô. Khi đường ống gặp vấn đề dẫn đến tình trạng thiếu nước, quá trình làm mát của két nước hoàn toàn mất tác dụng, khiến cho ôtô bị nóng.

Quạt gió hoạt động kém

Quạt gió là bộ phận giúp tản nhiệt, hoạt động cùng với két nước và chi tiết van hằng nhiệt làm mát động cơ… Khi quạt gió bị hỏng, hiệu quả làm mát của động cơ cũng bị giảm sút, dẫn đến bị nóng. Vì vậy, người sử dụng cần kiểm tra quạt gió định kỳ để đảm bảo thiết bị vận hành tốt.

Động cơ xe nóng có thể do thiếu nước làm mát hoặc bị rò rỉ nhưng vẫn có thể kiểm soát tình hình bằng những kỹ năng đơn giản. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Van hằng nhiệt gặp vấn đề

Chức năng của bộ phận này là điều tiết nước đi qua két nước làm mát, từ đó giảm nhiệt độ nóng của động cơ ôtô. Khi bộ phận này bị lỗi sẽ khiến nước trong két nước làm mát động cơ hoạt động chậm, làm ảnh hưởng đến quá trình truyền nhiệt của động cơ.

Nếu xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý sẽ khiến xe liên tục gặp phải tình trạng quá nhiệt, nóng động cơ, thậm chí bốc khói.

Cách xử lý khi động cơ ôtô quá nhiệt

Nếu xe quá nhiệt thì sẽ có biểu tượng hiển thị ở trên bảng thông số kỹ thuật sau vô-lăng. Biểu tượng nhiệt kế màu đỏ sẽ xuất hiện khi xe quá nhiệt, có sống nước ở bên dưới. Tài xế cần dừng xe ngay lập tức và xử lý theo các bước sau.

Thứ nhất, ngay sau khi phát hiện ra động cơ bị quá nhiệt, tài xế ngay lập tức tìm chỗ dừng xe an toàn, tấp vào lề và bật đèn báo khẩn cấp để các phương tiện khác nhận biết xe bạn đang đi trục trặc và tránh né kịp thời.

Thứ hai, sau khi cho xe nghỉ khoảng 10-15 phút, tài xế nên mở nắp ca-pô để bắt đầu kiểm tra động cơ, kiểm tra két nước bằng cách mở hé ra, đợi hơi nóng thoát ra rồi mới mở hẳn. Tuyệt đối không nên mở hẳn ngay vì nước sôi trong két rất dễ bắn lên tay gây bỏng.

Khi thấy lượng nước làm mát không đủ, hãy tiếp thêm nước vào bộ phận này để có thể tiếp tục hoạt động. Chú ý, mỗi tài xế nên chuẩn bị các chai nước dự phòng trên xe.

Cách sử dụng nước chỉ là phương án cấp cứu tạm thời. Sau khi tới gara sửa chữa hoặc về nhà, chủ xe cần rửa bình nước và sử dụng nước làm mát chuyên dụng để tránh bám cặn bẩn, gây hư hại cho hệ thống làm mát.

Để tránh được những tình huống không may xảy ra khi di chuyển trên đường, chủ xe nên thường xuyên bảo dưỡng xe, chăm sóc thật kỹ nếu không muốn xe hay bị hỏng vặt, tránh làm ảnh hưởng đến những chuyến hành trình của bạn.

Tác giả: ANH TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao động

  Từ khóa: động cơ ôtô , khắc phục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP