Tin địa phương

Doanh nghiệp xếp hàng chờ chỗ, cụm công nghiệp ở Đà Nẵng xây mãi không xong

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất. Trong khi đó, nhiều cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp khó tiếp cận quỹ đất

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động... Thế nhưng, một vướng mắc lớn mà cộng đồng doanh nghiệp này gặp phải là thiếu mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, bởi lẽ các CCN vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế cho biết, khó khăn lớn nhất mà đơn vị đang gặp phải đó là thiếu mặt bằng để mở rộng nhà xưởng.

Hiện công ty đang có gần 100 lao động nhưng chỉ có khoảng 60 nhân công làm việc tập trung tại cơ sở chính. Số lượng các nhân công còn lại phải làm việc riêng lẻ tại nhiều khu vực cách xa cơ sở chính.

"Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị địa phương hỗ trợ cho thuê mặt bằng để mở rộng nhà xưởng nhưng bất thành. Hiện nay, việc di chuyển nhiều cơ sở cũng khiến chúng tôi tốn kém chi phí và không hiệu quả, chưa kể đến việc thuê đất của tư nhân thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất", ông Sơn chia sẻ.

Dự án CCN Cẩm Lệ đã cơ bản hoàn thành thi công, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa vào khai thác. Ảnh: T.V.

Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, vấn đề mặt bằng thực sự cấp thiết với các doanh nghiệp Đà Nẵng hiện nay. Và Hiệp hội đã đề xuất rất nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

"Đà Nẵng đã đầu tư CCN Cẩm Lệ xong từ cuối năm 2022 nhưng hiện vẫn vướng mắc, vừa rồi đã xin một chính sách đặc thù cho Đà Nẵng để địa phương được quản lý CCN Cẩm Lệ. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc khiến thành phố chưa thể cho doanh nghiệp vào thuê đất tại đây", ông Bình nói và thông tin thêm, đối với các CCN khác như Hòa Khánh Nam, Hòa Nhơn đến nay vẫn chưa ổn.

Theo tìm hiểu, đối với việc phát triển các CCN, TP. Đà Nẵng đang triển khai 3 CCN gồm Cẩm Lệ (29ha), Hòa Nhơn (25ha) và Hòa Khánh Nam (13ha). Trong đó, dự án CCN Cẩm Lệ đã cơ bản hoàn thành thi công, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa vào khai thác. Còn lại, CCN Hòa Nhơn và CCN Hòa Khánh Nam vẫn đang trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.

Tháng 6/2023, các hạng mục CCN Cẩm Lệ mới cơ bản hoàn thành. Ảnh: T.V.

Xây xong nhưng chưa thể hoạt động

Dự án Hạ tầng kỹ thuật CCN Cẩm Lệ được TP. Đà Nẵng triển khai xây dựng từ năm 2019, tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất hơn 29ha. Dự án này do UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 250 tỷ đồng.

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng tập trung nguồn lực để dự án sớm hoàn thành, nhưng dự án liên tục trễ tiến độ. Phải đến tháng 6/2023, các hạng mục của CCN này mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất vẫn chưa thể tiếp cận quỹ đất CCN này.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) cho biết, CCN Cẩm Lệ được quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích của Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn II) về phía Tây và phía Nam, nên việc kết nối hệ thống giao thông giữa CCN này với bên ngoài phải thông qua hệ thống giao thông nội bộ của Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn II).

Người dân lo lắng bùn đất trên CCN Cẩm Lệ tràn vào nhà khi có mưa lớn. Ảnh: T.V.

Theo chủ trương của TP. Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II được đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; còn CCN Cẩm Lệ thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II vẫn còn nằm trên giấy, nên CCN Cẩm Lệ dù được đầu tư xong, nhưng không thể khớp nối giao thông và một phần hệ thống thoát nước mưa.

Ngoài ra, CCN Cẩm Lệ cũng đang vướng cơ chế vận hành. CCN Cẩm Lệ có quy mô 29ha, nhưng thực tế chỉ có khoảng 15ha bố trí cho doanh nghiệp sản xuất, tương đương 298 lô.

Nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn, nguồn cung có hạn, vì thế TP. Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp vào CCN Cẩm Lệ. Trong đó, tiêu chí trước tiên phải là các cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm trong khu dân cư, rất bức thiết phải di dời; tiếp đến phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tại buổi kiểm tra thực tế dự án ngày 19/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp, giải quyết những khó khăn để sớm đưa CCN này đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để phát huy hiệu quả vốn đầu tư công.

Ông Quảng yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng CCN Cẩm Lệ, đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom nước, rà soát lại việc trồng cây xanh trong dự án, đảm bảo an toàn cho khu dân cư xung quanh CCN này. Về lâu dài, cần nghiên cứu phương án giải tỏa khu dân cư quanh khu công nghiệp…

Người dân lo sợ bùn đất tràn vào nhà

Hàng chục hộ dân tại tổ 6, tổ 7, phường Hòa Thọ Tây (Đà Nẵng) đang phải sống trong cảnh lo sợ bùn đất trên CCN Cẩm Lệ tràn vào nhà khi có mưa lớn.

Bà Nguyễn Thị Tùng (SN 1966, tổ 6, phường Hòa Thọ Tây) cho biết, từ ngày triển khai CCN thì cuộc sống của người dân xuất hiện nhiều lo lắng.

"Tôi ở đây đã hơn 30 năm, trước đây đâu có vậy, từ ngày triển khai cụm công nghiệp thì khói bụi ô nhiễm. Đến giờ đến mùa mưa lại được lội bùn trong nhà", bà Tùng nói và cho biết mưa xuống, đoạn đường trước nhà đã có rất nhiều người bị ngã xe máy vì trơn trượt.

Tương tự, bà Ngô Thị Xê (SN 1958, tổ 6, phường Hòa Thọ Tây) chỉ vào tường nhà bị bùn đất cao hơn 20cm lấp lên nói: "Bây giờ không sợ bão nữa, chỉ sợ mưa", và mong muốn, nhà nước đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại đây.

Tác giả: THÀNH VÂN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP