Kinh tế

Doanh nghiệp miền Trung được hưởng lợi gì từ dự án nhà máy thông minh của Samsung?

NhàđầutưVới việc được Samsung hỗ trợ để thiết lập nhà máy thông minh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng linh kiện, Samsung Việt Nam đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các nhà máy thông minh.

Đào tạo cán bộ nguồn cho Việt Nam

Theo ông Kim Tae Hoon, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam, từ năm 2015, Samsung Việt Nam tiến hành tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó hoàn thành tư vấn tăng năng suất và chất lượng 379 công ty; giúp nâng 39% năng suất, giảm 52% lỗi chất lượng và giảm 36% hàng tồn kho.

Đến năm 2018, Samsung Việt Nam tiến hành đào tạo nâng cao chất lượng chuyên gia tư vấn cho người Việt Nam và hoàn thành việc đào tạo 406 chuyên gia tư vấn người Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã có sự cải tiến vượt bậc sau sự hỗ trợ của Samsung. Ảnh: Báo Đầu tư

"Các chuyên gia này chính là nguồn cội để truyền tải những kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam", ông Kim Tae Hoon cho hay.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam còn cho hay, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cách mạng công nghiệp, vì vậy, năm 2020, Bộ Công Thương yêu cầu Samsung hỗ trợ trong việc đào tạo nhân lực khuôn mẫu cho 200 chuyên gia.

Điểm nhấn của chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu là các học viên sẽ có 4 tuần thực hành thực tế công việc về sản xuất khuôn mẫu ở Hàn Quốc.

Đến năm 2022, Samsung tiến hành phát triển nhà máy thông minh, trong đó tập trung quản lý điều hành hiện trường theo thời gian thực bằng phần mềm, thông qua quá trình này có thể phân tích, quản lý rủi ro trong quá trình sản xuất

Trong quá trình hướng dẫn phát triển nhà máy thông minh, Samsung Việt Nam dự kiến tiến hành trên 50 công ty, hiện đã hoàn thành 38 công ty ở miền Bắc và miền Nam ở Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Long An, TP. HCM…

"Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, chúng tôi tập trung vào việc tư vấn và đào tạo. Giai đoạn 2023 trở về sau, Samsung Việt Nam tập trung việc tìm kiếm doanh nghiệp địa phương có tiềm năng để hỗ trợ nâng cao năng lực, thông qua đó, mở rộng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Kim Tae Hoon nói thêm.

Cơ hội lớn

Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và Samsung Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp ở khu vực miền Trung.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên của khu vực miền Trung được Samsung hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đồng thời, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng; tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp thông qua khảo sát và phỏng vấn; thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và Samsung Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp ở khu vực miền Trung. Ảnh: N.T

Chương trình tư vấn thiết lập nhà máy thông minh kéo dài trong 12 tuần đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, việc là địa phương đầu tiên được thí điểm ở khu vực miền Trung mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

"Vừa rồi, Samsung cũng đã đánh giá một số doanh nghiệp trên địa bàn và lựa chọn được 2 đơn vị. Sau khi kí biên bản ghi nhớ, Sở Công Thương sẽ tiếp tục giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có tiềm năng, phối hợp để đánh giá khảo sát trên diện rộng, lựa chọn được các doanh nghiệp phù hợp và có lộ trình hỗ trợ", bà Mai nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đánh giá đây là thời điểm để doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung cần tận dụng để bứt phá, bởi Samsung có nguồn lực rất mạnh với các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm triển khai nhà máy thông minh, có công nghệ và tài chính.

"Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để ứng dụng công nghệ, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực để đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu chuỗi, tạo cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi được thụ hưởng dự án không chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung mà còn tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác", bà Mai cho biết.

Bà Mai cũng nhìn nhận, Samsung cũng là đơn vị mạnh về công nghệ trên toàn cầu, nếu đạt được "ngưỡng" chất lượng của Samsung thì đó sẽ như một "chứng nhận uy tín" dành cho các doanh nghiệp bản địa, để khi tìm đến các đối tác lớn khác, doanh nghiệp có thể chứng minh khả năng, mức độ, trình độ sản xuất, sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

Tác giả: NGUYỄN TRI

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP