Tập đoàn khách sạn Mikazuki, Nhật Bản vừa mở cửa công viên nước bốn mùa Mikazuki Water Park 365 tại khu du lịch Mikazuki Đà Nẵng hôm 23-12. Đây là dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 150 triệu USD - Ảnh: T.L.
Ngày 25-12, UBND TP Đà Nẵng tổng kết hoạt động thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Tại đây, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã chỉ ra những khó khăn, cản trở trong hoạt động đầu tư và kiến nghị lãnh đạo Đà Nẵng quan tâm tháo gỡ.
Doanh nghiệp gặp "rào cản vô hình"
Ông Lee Sungnyung, giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA Đà Nẵng), cho biết sau COVID-19, điều nhà đầu tư quan tâm hàng đầu không còn là tối đa lợi nhuận mà là môi trường đầu tư ổn định. Thời gian qua, Việt Nam và Đà Nẵng đã xây dựng hình ảnh ổn định về kiểm soát dịch bệnh, mang lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều điều kiện hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Lee Sungnyung nói các cấp lãnh đạo Đà Nẵng cần phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút nhà đầu tư. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết trong quá trình đầu tư vào Đà Nẵng thời gian qua gặp phải một số rào cản vô hình gây chậm trễ tiến độ. Tổn thất về thời gian và chi phí, gây hại đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông Lee Sungnyung, giám đốc KOTRA Đà Nẵng, nói doanh nghiệp Hàn Quốc gặp rào cản khi đầu tư tại Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC |
Đại diện KOTRA Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP giảm bớt thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị TP quan tâm hỗ trợ sau đầu tư, khuyến khích các công ty mở rộng quy mô, thường xuyên thu thập ý kiến và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để giữ chân nhà đầu tư hiện hữu.
Trong khi đó ông Ikeda Naoatsu, tổng giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam - doanh nghiệp vốn Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị thể thao - nói rằng doanh nghiệp nước ngoài đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực. Ngoài ra, hạ tầng công nghiệp tại Đà Nẵng chưa được đảm bảo.
"Để đón làn sóng dịch chuyển công nghiệp từ các quốc gia khác tới Đà Nẵng, cần mở rộng các khu công nghiệp và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Về hạ tầng khu công nghiệp, thỉnh thoảng chúng tôi bị mất điện không báo trước hay thiếu nước vào mùa khô những năm qua. Những trục trặc như vậy tuy không kéo dài nhưng ảnh hưởng đáng kể tới việc sản xuất" - ông Ikeda Naoatsu chia sẻ.
Các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ một số khó khăn trong đầu tư tại Đà Nẵng như việc thiếu hụt hạ tầng phụ trợ tại khu công nghệ cao, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, chưa phát triển được công nghiệp phụ trợ và các vướng mắt thủ tục đất đai, đầu tư dự án.
Sẽ rút ngắn thủ tục đất đai, đầu tư thêm hạ tầng công nghiệp
Phản hồi nhà đầu tư, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói rằng năm 2021 TP sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Đã có một số dự án được áp dụng quy trình mới giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai từ vài trăm ngày xuống chỉ còn 90 ngày.
Ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trao bằng khen cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC |
"Hiện Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư cho 3 khu công nghiệp mới với diện tích dự kiến 1.000ha để tiếp đón nhà đầu tư và xúc tiến hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp hiện có. Về vấn đề nguồn nước, chúng tôi rất quan tâm giải quyết và đã triển khai xây dựng thêm nhà máy nước Hòa Liên. Đồng thời thực hiện nâng công suất nhà máy nước cầu Đỏ hiện có, đảm bảo công suất đạt 500.000m3/ngày đêm" - ông Minh cho biết.
Lãnh đạo TP cũng giao Công ty Điện lực Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng doanh nghiệp xử lý ổn định cung cấp điện và đào tạo nhân lực phù hợp yêu cầu doanh nghiệp.
Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, thông tin hiện nhà đầu tư rất quan tâm tiếp cận đất đai, hình thức đấu giá đất quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên - môi trường đã rà soát toàn bộ quỹ đất và kết quả hiện Đà Nẵng còn 318 lô đất lớn sẵn sàng cho chủ đầu tư tiếp cận.
Đồng thời, sở sẽ cập nhật vào phần mềm thông tin đất đai, công khai để nhà đầu tư xem xét tiếp cận hoặc đề xuất điều chỉnh mục đích sử dụng cho phù hợp nhu cầu đầu tư. Sở sẽ cùng các ban ngành nỗ lực rút ngắn thời gian làm thủ tục liên quan đất đai, tháo gỡ vướng mắt đất đai cho nhà đầu tư.
Thu hút 159 dự án trong nước và 470 dự án nước ngoài Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Đà Nẵng thu hút 159 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 77.475 tỉ đồng. Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đối với đầu tư nước ngoài, giai đoạn này Đà Nẵng thu hút 470 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,1 tỉ USD, 58 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 160,68 triệu USD. Có 753 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 263,29 triệu USD. |
Tác giả: TẤN LỰC
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ