Bất chấp những pha rung lắc gay cấn của chỉ số, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 22/12 vẫn tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về thanh khoản giao dịch.
Trong phiên này, sàn HSX thu hút được tới 14.590,47 tỷ đồng đổ vào mua cổ phiếu, khối lượng giao dịch lên tới 756,11 triệu đơn vị. HNX có 114,45 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.450,66 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 50,31 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 753,62 tỷ đồng.
VN-Index loanh quanh ở ngưỡng tham chiếu trong gần như cả phiên giao dịch trước khi xác lập được trạng thái tăng cuối phiên, tăng 2,37 điểm tương ứng 0,22% lên 1083,45 điểm.
HNX-Index nhờ lực cầu tăng mạnh cuối phiên nên đã tăng 5,73 điểm tương ứng 3,15% lên 187,85 điểm. UPCoM-Index tăng 1,18 điểm tương ứng 1,65% lên 72,82 điểm.
Một "bữa tiệc" với cổ phiếu penny trong phiên 22/12 |
Trong phiên này, toàn thị trường có tới 555 mã tăng và đặc biệt có 131 mã tăng trần so với 289 mã giảm, 23 mã giảm sàn. Dòng tiền đang chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ.
Chưa bao giờ thị trường chứng kiến một phiên giao dịch tưng bừng như vậy khi mà các mã vốn hóa nhỏ trong danh mục nhà đầu tư thay nhau tăng trần.
HQC tăng trần lên 1.840 đồng; IJC tăng trần lên 22.300 đồng; JVC tăng trần lên 5.220 đồng; PLP tăng trần lên 9.690 đồng; QCG tăng trần lên 7.950 đồng; SJF tăng trần lên 2.600 đồng; TCR tăng trần lên 3.530 đồng; VOS tăng trần lên 2.300 đồng.
Đáng nói là hầu hết các mã penny này đều có thanh khoản tương đối tốt, cuối phiên có dư mua giá trần và sạch dư bán.
Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường tăng giá, các nhà đầu tư và cổ đông "họ FLC" đã đồng loạt gọi tên đại gia Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết từng có lời hứa đưa cổ phiếu FLC về mệnh giá ngay trong năm 2020, trong khi đó, chỉ còn 1 tuần nữa là sẽ kết thúc năm nay.
Điều thú vị diễn ra khi cổ phiếu "họ FLC" giao dịch lình xình trong phiên sáng, đến phiên chiều bất ngờ "bung" trần. Trong đó, ROS tăng trần lên 2.340 đồng; AMD tăng trần lên 2.850 đồng, KLF tăng trần lên 1.900 đồng; ART cũng tăng trần lên 3.100 đồng. Các mã này đều trắng bên bán và có dư mua trần.
FLC cũng tăng giá mạnh 3,7% lên 4.430 đồng; HAI tăng 6% lên 2.840 đồng và đã chạm mức trần 2.860 đồng; GAB tăng nhẹ 0,2% lên 195.500 đồng.
Còn nhớ, trong sự kiện Giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes hồi cuối năm 2019, ông Quyết từng nói "sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020". Theo Chủ tịch FLC thì giá cổ phiếu sẽ cao gấp nhiều lần giá trị như hiện tại, nếu không được 10 lần thì ít nhất cũng là 5 lần, 7 lần, 8 lần....
Thời điểm đó, ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi cổ đông vì cổ phiếu FLC chưa về được mệnh giá mà vẫn đang ở mức trên 4.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng tiếp tục không được thực hiện do giá phát hành cao hơn giá trên thị trường.
Tuy nhiên, ngày 10/12 vừa qua, Sở HNX công bố thông tin về việc rút đăng ký niêm yết cổ phiếu của FLCHomes (FHH). Theo đó, thông tin này đã ảnh hưởng không mấy tích cực lên cổ phiếu "họ FLC".
Theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm midcap và penny đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.080 điểm.
Về kỹ thuật, sau khi vượt qua vùng cản mạnh 1.064-1.080 điểm một cách thuyết phục thị trường đang hướng tới các vùng kháng cự cao mới là 1.100 -1.135 điểm với điểm tựa vững chắc là dòng tiền đang vào mạnh mẽ.
Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn nên ưu tiên các nhóm ngành dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và hàng tiêu dùng, dầu khí.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí