Hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập
Trong các đợt mưa lớn vào tháng 10/2022 và gần nhất là giữa tháng 10/2023, TP. Đà Nẵng xuất hiện nhiều điểm ngập lụt. Trong đó một số điểm ngập sâu, gây ảnh hưởng sinh hoạt và thiệt hại tài sản người dân như khu vực Mẹ Suốt, khu vực Khe Cạn, khu vực Nguyễn Nhàn...
Lý giải về nguyên nhân ngập lụt, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có.
"Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, phần lớn, hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp; một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm và sau này xây bằng đá hộc, đã bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước", ông Phong cho hay.
Cùng với đó, một số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang...
Ông Phong cho biết thêm, các dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng (đường Lê Tấn Trung, xung quanh cổng ra vào khu công nghiệp Hòa Khánh). Hay một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý, dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên…
Một trong những nguyên nhân Đà Nẵng ngập sâu là do hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: T.V. |
Cũng theo ông Phong, hệ thống cống hiện trạng khu vực đô thị thành phố dài khoảng gần 1.800km và gần 30km kênh mương hở. Trong đó khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994, bằng loại đá hộc được che đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép. Các tuyến cống được xây dựng sau này sử dụng các loại vật liệu có độ bền cao (bê tông cốt thép) và có kích thước phù hợp.
Trong thời gian qua, thành phố đã ưu tiên đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, tuy nhiên vẫn chưa thể hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về giải quyết triệt để ngập úng bởi tốc độ đô thị hóa tại TP. Đà Nẵng đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu về nguồn lực đầu tư rất lớn.
Giải pháp nào?
Ông Phùng Phú Phong thông tin, hiện nay thành phố đang triển khai chuẩn bị đầu tư và thi công các dự án thoát nước, xử lý ngập úng.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp như tăng cường hơn nữa công tác khơi thông cửa thu, mương thu nước; khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, trước mắt ưu tiên tại khu vực đô thị cũ…
Về giải pháp căn cơ, ông Phong cho biết, Sở Xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị. Đây là cơ sở để đề xuất các dự án thoát nước có quy mô lớn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, bảo đảm giải quyết triệt để vấn đề ngập úng.
Theo ông Phong, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa.
Trước mắt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các ban quản lý dự án chuyên ngành hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng và triển khai dự án cải tạo các hồ điều tiết khu vực sân bay Đà Nẵng (dự kiến kinh phí khoảng trên 700 tỷ đồng).
Riêng với các khu vực ngập sâu nhất của thành phố, ông Phong khẳng định, những khu vực này hệ thống chưa được đầu tư, phần lớn người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp thì để giải quyết căn cơ thành phố đang chỉ đạo sở ngành nghiên cứu quy hoạch phân khu để tính toán tái thiết các khu vực. Quan điểm của Sở Xây dựng là không đầu tư nhỏ lẻ vì như vậy sẽ không bao giờ xử lý triệt để các vấn đề tại đây.
Nói về vấn đề ngập lụt, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố phát triển đô thị mới trên lõi nền đô thị cũ, việc thoát nước ở thành phố thực sự có vấn đề.
"Ngoài việc lỗi thiết kế và không khớp nối được thì vấn đề rất lớn của thành phố là có sân bay Đà Nẵng nằm giữa đô thị thuận lợi cho việc đi lại nhưng khi có các trận mưa lớn làm phát sinh trữ lượng nước lớn thoát ra xung quanh", ông Nam nói.
Theo ông Nam, trước đây, khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng có 14 hồ điều hòa, tuy nhiên nhiều hồ đã bị bồi lấp hoặc bồi lắng, không còn bảo đảm chức năng. Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng làm việc với các đơn vị trong sân bay để giải quyết vấn đề thoát nước.
Ông Nam cho biết thêm, ngoài vấn đề thời tiết cực đoan, TP. Đà Nẵng vẫn còn những vấn đề trong xử lý nước mưa mặc dù thành phố đã đầu tư kinh phí rất lớn. Thành phố đã giao ngành xây dựng nghiên cứu hướng thoát khác, thay vì đổ ra biển thì qua cửa sông hay vị trí khác để tránh phản cảm.
Đầu tư lớn cho hệ thống thoát nước Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thành phố đang và sắp đầu tư các dự án thoát nước, xử lý ngập úng trên địa bàn thành phố. Trong đó, các dự án chuẩn bị đầu tư gồm: Xử lý thoát nước khu vực xung quanh Sân bay Đà Nẵng; xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc; nạo vét, nâng cấp cải tạo hồ điều tiết khu vực thượng lưu tuyến kênh thoát nước Phần Lăng; xử lý ngập úng khu vực đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đường Tống Phước Phổ; cải tạo các tuyến cống thoát nước khu vực nội thành… Các dự án đang thi công như: Tuyến cống liên phường Xuân Hà (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến kênh Phú Lộc), dự kiến hoàn thành trong quý I/2024; tuyến cống liên phường Tam Thuận (đoàn từ hồ Vĩnh Trung đến Vịnh Đà Nẵng), dự kiến hoàn thành trong quý I/2024; các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn (lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến tỉnh Quảng Nam), dự kiến hoàn thành trong năm 2023… |
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn