|
Nỗi lo về môi trường và sức khỏe của người dân
Bãi rác Khánh Sơn, tọa lạc tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, từ lâu đã là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Với tình trạng bốc mùi hôi thối và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, bãi rác này đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Nhiều năm qua, cử tri liên tục kiến nghị chính quyền thành phố quan tâm, đầu tư nâng cấp và xử lý triệt để tình trạng này, nhằm đảm bảo sức khỏe và đời sống của người dân.
Ông Huỳnh Sự, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Liên Chiểu, đề nghị, thành phố cần quan tâm, sớm đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến; đồng thời xem xét nâng cấp cải tạo hạng mục công trình hiện hữu và quy hoạch lại khu vực bãi rác này để người dân yên tâm sinh sống.
Người dân cho rằng, sau mỗi trận mưa, nước từ bãi rác Khánh Sơn rỉ ra gây ô nhiễm. |
Trao đổi với PV, nhiều người dân sống gần khu vực này cho hay, thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để cải tạo môi trường sống.
Tuy nhiên, thành phố cần phố sớm đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, đồng thời cải tạo và quy hoạch lại bãi rác để đảm bảo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho người dân là điều rất cần thiết.
"Việc đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại không chỉ giúp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân", bà Lê Thị Vân chia sẻ.
Đầu tư vào công nghệ xử lý tiên tiến là giải pháp lâu dài
Trước những áp lực từ cử tri và thực tế ô nhiễm, ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã khẳng định cam kết của thành phố trong việc xử lý vấn đề tại bãi rác Khánh Sơn.
Theo đó, ngày 2/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn vào năm 2030.
Theo đó, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) với tổng công suất 1.800 đến 2.000 tấn/ngày sẽ được đưa vào hoạt động, cùng với các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải và chất thải rắn công nghiệp.
Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn từ năm 2019.
Bãi rác Khánh Sơn nhìn từ trên cao. |
Công ty Cổ phần Môi trường đô thị đã tăng cường tần suất phun chế phẩm khử mùi, thực hiện phủ đất thường xuyên và cải thiện độ dày lớp đất để giảm thiểu phát tán mùi hôi.
Ngoài ra, việc phủ bạt các ô chôn lấp và tổ chức quan trắc môi trường không khí xung quanh cũng đã giúp kiểm soát tốt hơn mùi hôi tại bãi rác.
Mặc dù thành phố đã thực hiện các biện pháp tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề, cần có những đầu tư dài hạn và bền vững.
Năm 2023, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp và cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn - giai đoạn 2 (Hộc số 7). Mục tiêu của dự án là tạo khu vực dự phòng cho việc chôn lấp chất thải rắn không nguy hại một cách hợp vệ sinh trong các tình huống khẩn cấp.
Điều này bao gồm các trường hợp như tiến độ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bị chậm, nhà máy gặp sự cố phải tạm ngừng hoạt động, hoặc khối lượng chất thải tăng đột biến do bão lụt, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, dự án cũng hướng tới việc tạo cảnh quan thân thiện với môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải với công suất 650 tấn/ngày và nhà máy xử lý CTRSH với công suất 1.000 tấn/ngày đang được ưu tiên triển khai. Dự kiến, khi các nhà máy này đi vào hoạt động, lượng rác thải của thành phố sẽ được xử lý một cách cơ bản, thay thế dần phương pháp chôn lấp truyền thống.
Ngoài ra, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án như nhà máy xử lý chất thải đa năng, nhà máy xử lý thực phẩm thừa và rác thải hữu cơ, cùng với lò đốt chất thải nguy hại. Những dự án này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của bãi rác Khánh Sơn đến môi trường mà còn tạo điều kiện cho việc tái chế và tái sử dụng rác thải, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: nguoiduatin.vn