Tin địa phương

Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn nằm trên giấy đến bao giờ?

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 mãi đến năm 2015 mới đi vào hoạt động, nhưng hoạt động hơn sáu tháng (6/2015-01/2016) dã xin dừng vì thua lỗ. Sau bao nhiêu lần chuyển nhượng, góp vốn thay đổi... nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.

5 năm “khởi động” nhưng hoạt động 6 tháng thì đóng cửa.

Bãi rác Khánh Sơn nằm trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) là nơi tập kết rác thải của TP Đà Nẵng bao nhiêu năm nay luôn là vấn đề tài nóng trong mỗi nhiệm kỳ, cuộc họp của Đà Nẵng.

Mỗi ngày có khoảng hơn 1000 tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn Đà Nẵng được đưa về đây, con số lượng rác thải này không những không dừng lại mà ngày một tăng lên theo sự phát triển của xã hội. Trong khi đó biện pháp hiện tại chỉ là chôn lấp mang tính chất tạm thời, chứ không phải bài toán lâu dài sau này của thành phố.

Vấn đề nhức nhối về rác thải đã được UBND TP Đà Nẵng quan tâm ngay từ năm 2010, khi UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam với tên gọi “Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn – Đà Nẵng” để đưa vào hoàn thành hoạt động vào quý 3 năm 2011.

Trang thiết bị máy móc như đống sắt vụn sau khi hoạt động được 6 tháng thì dừng hoạt động từ 2016 cho đến nay.

Sau đó lại điều chỉnh hoạt động của nhà máy vào quý IV/2012; tuy nhiên nhà máy chưa hoạt động thì đến tháng 8/2014 lại tiếp tục thay đổi, đổi tên dự án đầu tư thành “Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại Bãi rác Khánh Sơn – Đà Nẵng” dự kiến sẽ đưa dự án vào vận hành giai đoạn 1 vào tháng 10/2014, giai đoạn 2 vào quý IV/2015 với thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị thì công ty CP Môi trường Việt Nam xin giãn tiến độ đầu tư từ tháng 10/2014 đến tháng 06/2015 nhà máy mới chính thức đi vào hoạt động.

Tưởng chừng TP Đà Nẵng đã có nhà máy xử lý rác của công ty CP Môi trường Việt Nam đi vào hoạt động với thời gian 50 năm như dự kiến ban đầu; thì đến tháng 01/2016, công ty CP Môi trường Việt Nam không tiếp nhận rác xử lý với lý do chi phí hoạt động không đủ bù chi và hoàn vốn đầu tư… và xin chuyển đổi công nghệ tiên tiến. Đồng nghĩa với việc công ty CP Môi trường Việt Nam chỉ hoạt động nhà máy được 6 tháng là dừng hoạt động.

"Nghiên cứu" 10 năm nay nhưng nhà máy vẫn nằm trên giấy, ngoài cơ sở hạ tầng nhếch nhác và cũ kĩ lạc hậu.

Trong khi rác vấn là vấn đề nóng của TP Đà Nẵng từ năm này sang năm khác.


Câu hỏi đặt ra ở đây là thời điểm đó công ty CP Môi trường Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực xử lý rác hay các cơ quan chức năng liên quan của Đà Nẵng giai đoạn đó quá nóng vội để hình thành nên “Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại Bãi rác Khánh Sơn – Đà Nẵng” nhưng “quên mất” năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư? .

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm sau này?

Sau khi đi vào hoạt động được 6 tháng thì đóng cửa dừng hoạt động vào tháng 1/2016, mãi đến năm 2019 công ty CP Môi trường Việt Nam trình UBND TP Đà Nẵng và các sở ban nghành để nâng cấp nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn.

Đến năm 2020 công ty CP Môi trường Việt Nam nộp hồ sơ xin UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh nhà đầu tư từ công ty CP Môi trường Việt Nam sang Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Đà Nẵng) do công ty CP Môi trường Việt Nam góp vốn thành lập ra và cũng đổi tên dự án từ: “Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại Bãi rác Khánh Sơn – Đà Nẵng” sang “Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng”.

Sau hai năm, đến năm 2022, công ty CP Môi trường Việt Nam có công văn báo cáo TP Đà Nẵng để thực hiện dự án và nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đầu tư tại “Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng”, từ Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Đà Nẵng) để góp vốn với một công ty của Hong Kong thành công ty TNHH hai thành viên.

Sau khi các sở ban ngành liên quan của TP Đà Nẵng xin ý kiến các cơ quan chức năng liên quan và quanh khu vực “Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng” mà Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Đà Nẵng) góp vốn với một công ty nước ngoài. Nhưng cuối cùng vấn đề dự kiến góp vốn mua cổ phần của công ty nước ngoài không được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận vì không đáp ứng được điều kiện bảo đảm an ninh quốc phòng, bởi nhà máy xử lý rác này nằm ngay cạnh Kho K83 – Binh chủng công binh.

Trong thời gian này công ty CP Môi trường Việt Nam cũng thay tên đổi chủ của người đại diện theo pháp luật. Vậy là sau 10 năm từ 2010-2020 công ty CP Môi trường Việt Nam sau 12 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn đã “thoát” người đại diện pháp luật cho người khác. Vấn đề khiến dư luận quan tâm là ngay từ những ngày đầu người đại diện pháp luật công ty CP Môi trường Việt Nam là ông Tuấn, sau 10 năm “nghiên cứu” thì cái nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có hoạt động được 6 tháng rồi đóng cửa và trong thời gian 10 năm ông Tuấn “nghiên cứu” thì rác vẫn nóng nhưng nhà máy thì vẫn “nguội”.

Điều khiến dư luận quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm sau này khi 400 hộ dân và Kho K83 Binh chủng - công binh sẽ "bình an" trong phạm vi 500m khi nhà máy xử lý rác được hình thành.

Sau thời gian các sở ban nghành của UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, tìm hiểu và đã có quy hoạch, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn TP Đà Nẵng theo hình thức PPP, dự kiến mức đầu tư nhà máy khoảng 802,991 tỉ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Ecoland, Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco.

Nhưng theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị Việt Nam thì hiện nay cả hai nhà máy 650 tấn và nhà máy 1.000 tấn ngày/đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn TP Đà Nẵng, hiện có khoảng 400 hộ dân và Kho K83-Binh chủng công binh đang nằm trong bán kính 500m theo quy định về khoảng cách an toàn VSMT tại QCVN 01:2021/BXD? Vậy có phải di dời 400 hộ dân trên không? Chưa nói đến khu vực bảo vệ các công trình quốc phòng – khu quân sự của Kho K83. Nếu không di dời thì ai chịu trách nhiệm và đảm bảo dự án đi vào hoạt động sẽ không bị rủi ro sau này?

Điều quan trọng nữa là hiện nay ở Việt Nam đã có địa phương nào thực hiện theo cách này chưa? Công nghệ để thực hiện xử lý chất thải rắn liệu có đảm bảo khoảng cách 500m vùng bị ảnh hưởng? Câu hỏi này dành cho các sở ban ngành liên quan của TP Đà Nẵng. Bởi, đã 10 năm qua dự án mà người dân khu vực phường Hòa Khánh Nam và UBND TP Đà Nẵng đã qua bao cuộc họp, đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư, nhưng dự án vẫn nằm trên giấy…. Gấp, nhưng cần cân nhắc để không phải xử lý hậu quả sau này.

Tác giả: Quang Huy

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP