Tin địa phương

Đà Nẵng: Xử phạt nhiều trường hợp xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà

Các đối tượng chuyển mục đích rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Ngày 17/3, theo Văn phòng UBND quận Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng, ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận, đã ký xử phạt các cá nhân vi phạm từ 5 đến 12,5 triệu đồng về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và hành vi chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, bà Nguyễn Thị H. (SN 1953), trú tổ 13, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Tp.Đà Nẵng, đã thực hiện hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) và xây dựng công trình trên diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng với diện tích 644,78m2 tại tiểu khu 64 (tiểu khu 54 cũ) bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tổng mức tiền phạt 12,5 triệu đồng.

Một công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Ông Nguyễn Xuân C. (SN 1960), trú Lê Văn Hiến, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ và xây dựng các công trình trên diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng với diện tích 497,15m2 tại tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà, Thọ Quang. Tổng mức phạt 7,5 triệu đồng, buộc tháo dỡ công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Bên cạnh đó, hộ ông Đinh T. (SN 1964), trú Lê Tấn Trung, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, đã chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị (tiểu khu 62, đường lên đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà) với diện tích 129m2 để xây dựng các công trình trên đất sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tổng mức phạt 5 triệu đồng.

Ông Trần Viết T. (SN 1971), trú phường Thọ Quang, Sơn Trà, đã chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà với diện tích 393m2 và xây dựng công trình trên đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Tổng mức phạt 5 triệu đồng...

Cùng với phạt tiền, UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu các cá nhân buộc tháo dỡ các phần xây dựng trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại đất rừng lấn chiếm trái phép.

Theo UBND quận Sơn Trà, từ năm 2016 kết quả thanh tra của UBND Tp.Đà Nẵng cho thấy, một số cá nhân, tổ chức nhận giao khoán trồng rừng nhưng lại tự ý xây dựng các công trình kiên cố để kinh doanh du lịch. Theo kiểm đếm, có đến 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ 1997 đến 2010).

Mặc dù chính quyền Tp.Đà Nẵng đã có nhiều hình thức xử lý, vận động, thậm chí ra tối hậu thư buộc các chủ công trình xây dựng trái phép, chiếm đất rừng này phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu nhưng đến nay nhiều hộ kinh doanh, chủ đầu tư dịch vụ du lịch vẫn không chấp hành, vẫn tổ chức kinh doanh du lịch, dịch vụ ăn uống.

Thậm chí có những chủ đầu tư như hệ thống nhà hàng Bảy Ban được đầu tư xây dựng quy mô với hệ thống nhà kiên cố bằng bê tông trên diện tích 1ha tại Tiểu khu 64. Diện tích đất này được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà giao khoán cho gia đình bà Hoàng Thị L. trồng rừng nhưng từ năm 2002 thì tự ý xây dựng hệ thống nhà hàng.

Không chỉ sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng giao khoán, bà L. còn xây dựng công trình kiên cố lấn ra biển.

Cơ quan chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này kinh doanh không đúng với địa điểm trong giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp...

Một công trình kinh doanh trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Theo báo cáo của UBND quận Sơn Trà, các trường hợp xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà có 3 nhóm, gồm: Công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán nhưng không xác định được chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng (11 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán và xác định được chủ hợp đồng giao khoán trồng rừng (26 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích không có hồ sơ giao khoán trồng rừng là 21 trường hợp.

Trong năm 2022, chính quyền và lực lượng chức năng đã vận động, gỡ vướng mắc, tháo dỡ được 10 trường hợp. Tiếp đến từ đầu năm 2023 đến nay quận sẽ tiếp tục mạnh tay với 58 trường hợp còn lại.

Để có cơ sở cưỡng chế các trường hợp vi phạm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận đã nghiên cứu các văn bản pháp lý và nhiều lần tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành của của thành phố. Theo đó, thống nhất cơ sở pháp lý để xử lý tháo dỡ các trường hợp vi phạm này theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ và Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 về phân loại đất.

Chính quyền địa phương cũng đã đề ra lộ trình cụ thể để xử lý đối với các trường hợp cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 xử lý dứt điểm công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP