Theo thống kê của một số giáo sư thuộc Hội đồng chức danh giáo sư ngành y, năm nay các hội đồng của ngành đã xét và công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh GS cho 19 ứng viên, chức danh PGS cho 178 ứng viên.
Sau phiên họp ngày 27/2 của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, có 29 người được đưa vào danh sách cần phải xem lại gồm 9 giáo sư và 20 phó giáo sư.
Trong cuộc họp chiều 28/2, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y tế cho rằng: "Kết quả rà soát chức danh GS cho theo quy định 174 của Bộ GD-ĐT cho thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí vượt tiêu chuẩn đề ra".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
GS.TSKH Phùng Đắc Cam, HĐCDGS ngành Y tế cho biết, một Hội đồng xét duyệt với 3 cấp, theo đó một hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đến 6 người soi thì không thể có tình trạng lọt, chưa kể bên cạnh hội đồng luôn có thanh tra ngồi từ đầu đến cuối.
“Tôi khẳng định, trong danh sách 9 giáo sư, 20 phó giáo sư của ngành y tế đều đủ tiêu chuẩn. Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến cũng vậy, vượt tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư", GS Cam nói.
GS Cam khẳng định thêm: "Hội đồng xét duyệt làm việc độc lập, ngay cả những người dù đương chức quyền vẫn không thể thay đổi được kết quả.
Tôi có thể ví dụ, nguyên một Bộ trưởng Bộ Y tế hai lần làm hồ sơ giáo sư đều trượt, dù khi trình hồ sơ xét duyệt người đó đang đương chức Bộ trưởng.
Nói điều này để nói Hội đồng làm việc độc lập, không chịu sự tác động của bất cứ ai. Vì thế, trong trường hợp Bộ trưởng Tiến, hồ sơ bà được xét duyệt vì còn thừa tiêu chuẩn giáo sư”, GS Cam nhấn mạnh.
Được biết, Bộ trưởng Tiến tham gia giảng dạy tại ĐH Y Dược TP HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn...
Đặc biệt, Bộ trưởng Tiến còn được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp. Người đứng đầu cơ quan quản lý y tế còn thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford, Vương quốc Anh.
"Ở Việt Nam chưa có nhà khoa học nào được mời thỉnh giảng 2 lần tại ĐH danh tiếng như ĐH Oxford, Anh. Bản thân trường ĐH này cũng xét duyệt hồ sơ rất kỹ trước khi mời cá nhân tham gia giảng dạy", GS Cam cho hay.
Giáo sư Đính, Giáo sư Cam khẳng định, 9 hồ sơ giáo sư, 20 hồ sơ phó giáo sư trong ngành y tế đều đủ tiêu chuẩn. Ảnh: H.Hải |
Đồng quan điểm, GS Đính cho biết, trước khi làm Viện trưởng Viện Paster TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Tiến là giáo vụ khoa Vệ sinh dịch tễ y tế công cộng, tiếp đến làm Viện trưởng rồi lên Thứ trưởng Bộ Y tế.
“Bộ trưởng Tiến có đủ tiêu chuẩn phong giáo sư hay không? Theo cá nhân tôi Bộ trưởng Y tế xứng đáng phong giáo sư. Điểm chấm hồ sơ của bà Tiến đạt 34 điểm. Hệ thống đánh giá chất lượng ứng viên được chuẩn hoá thành điểm, người đứng ngoài không hiểu. Số điểm này đã được thông qua con mắt đánh giá của hội đồng cấp ngành", GS Đính nói.
Trước dư luận cho rằng đợt xét duyệt chức danh PGS, GS năm 2017 như một “chuyến tàu vét”, một thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y cho rằng người phát ngôn đã không tham khảo số lượng về GS, PGS trên thế giới. Tỉ lệ GS, PGS tại Việt Nam còn rất thấp.
Về chuyện “giờ giảng” của PGS,GS, vị này cũng cho rằng, đừng biến GS, PGS thành những "thợ giảng". Bởi nói đến GS, PGS là phải nói đến những người tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhìn GS là nhìn thấy trình độ uyên bác về ngành khoa học mà người ta tham gia. Điều đó thể hiện công trình khoa học công bố, đào tạo ra các nhà khoa học chứ không nói chuyện giờ giảng.
“Ứng viên giảng dạy thì phải đi dạy, ứng viên là nhà nghiên cứu thì phải làm nghiên cứu. Ứng viên giảng 1 bài tim mạch có khác gì ứng viên 1 ca mổ tim mạch đâu, nhưng họ lại được số điểm ít hơn so với ứng viên giảng dạy. Không một đất nước nào xét duyệt như thế.
Bởi khi đăng kí theo tiêu chí GS nghiên cứu thì không cần giờ giảng, chỉ tính công trình nghiên cứu của anh. Trên thế giới, nhiều quốc gia một GS chỉ tham gia giảng dạy khoảng 30 – 40 giờ. Chúng ta đừng biến trường đại học thành trường phổ thông cấp 4. Bởi ở đại học có hàng ngũ GS, PGS có chức năng làm khoa học, phải có công trình nghiên cứu, chứ không phải săm soi họ giảng dạy bao nhiêu giờ", một giáo sư chia sẻ.
Trong cuộc họp chiều ngày 28/2, các giáo sư trong Hội đồng chức danh giáo sư ngành y đánh giá cao năng lực khoa học của Bộ trưởng Y tế, đánh giá cao vinh dự bà mang lại cho nước nhà, qua đóng góp thế giới công nhận.
"Với năng lực, với số điểm được chấm cao như vậy, tại sao Bộ trưởng Bộ Y tế lại phải đứng ở danh sách cần xem xét lại. Đó là điều khiến các nhà khoa học trong ngành y thấy không hợp lý", một vị giáo sư ngành y nói.
Tác giả: Hồng Hải
Nguồn tin: Báo Dân trí