Pháp luật

Vụ dâm ô ở Vũng Tàu: Tòa không kháng nghị vì dư luận!

Ông Quảng Đức Tuyên - phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM khẳng định có đủ căn cứ ra kháng nghị giám đốc thẩm, chứ không kháng nghị bản án vì áp lực dư luận.

Ông Quảng Đức Tuyên - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tội dâm ô đối với trẻ em.

Quyết định kháng nghị này nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận nhưng cũng có ý kiến ngờ rằng phải chăng vì áp lực dư luận mà tòa đã kháng nghị?

Báo Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Quảng Đức Tuyên - phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM - về những căn cứ để ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm này.

* Nhiều ý kiến không đồng tình với mức án treo mà TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên. TAND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này có phải từ sức ép của dư luận không?

- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định có 3 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đoàn công tác của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã làm việc với TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án để lắng nghe các ý kiến, các căn cứ để đưa ra quyết định đối với 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Cuối cùng, đoàn cũng đã tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án để đánh giá nghiêm túc, khách quan đối với các chứng cứ được lưu trong hồ sơ. Sau khi đánh giá, chúng tôi mới ra quyết định kháng nghị, việc kháng nghị là có căn cứ chứ không phải bị dẫn dắt bởi dư luận.

Cụ thể những căn cứ này là gì?

- Vụ án này ngay từ đầu đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì khởi tố 5 hành vi, nhưng khi VKS truy tố thì chỉ truy tố 2 hành vi dâm ô đối hai nạn nhân là trẻ em.

HĐXX sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ, lời khai tại tòa để tuyên mức án 3 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy. Sau bản án này, bị cáo Thủy kháng cáo kêu oan và HĐXX phúc thẩm đã tuyên cho bị cáo Thủy mức án treo 18 tháng.

Căn cứ để giảm án cho bị cáo này từ 3 năm xuống còn 18 tháng thì HĐXX đánh giá rằng bị cáo chỉ còn một hành vi dâm ô với một nạn nhân, còn một nạn nhân thì không đủ căn cứ, vì chứng cứ mờ.

Theo đó, bản án nhận định rằng: "Tại thời điểm xảy ra vụ án, nạn nhân H.A. đã đủ 11 tuổi, phát triển bình thường, học giỏi, nếu bị xâm hại từ phía Nguyễn Khắc Thủy thì phải có hành vi chống trả, vùng vẫy kêu cứu chứ không thể để bị xâm hại trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút được".

"Nhận định này của bản án phúc thẩm là chủ quan và không đúng với tính cách của bị hại H.A. được thể hiện trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm".

Ông Quảng Đức Tuyên

Nhận định này của bản án phúc thẩm là chủ quan và không đúng với tính cách của bị hại H.A được thể hiện trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Theo lời khai của nạn nhân thì bị cáo Thủy đứng ngoài cửa sổ dùng tay trái nắm lấy 1 tay của bị hại còn tay phải thực hiện hành vi dâm ô nên bị hại không thể vùng vẫy thoát ra được, còn nhân chứng thì đứng cách xa đó khoảng 10 mét và đã nhìn thấy rõ hành vi của bị cáo.

Ông Quảng Đức Tuyên, phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

* Nhận định của bản án phúc thẩm là chủ quan vì sao?

Tại sao chúng tôi đánh giá nhận định của bản án phúc thẩm là chủ quan? Bởi, chúng ta đang đánh giá hành vi của bị cáo chứ không phải xem xét thái độ, hành vi của nạn nhân.

Ví dụ trong tình huống nạn nhân đồng ý với hành vi của bị cáo thì hành vi của bị cáo cũng là sai. Cũng giống như quy định trong Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm, thì mọi hành vi giao cấu đối với người dưới 13 tuổi dù nhận được sự đồng thuận thì cũng là hiếp dâm.

Do đó, không thể khẳng định rằng do cháu H.A. không vùng vẫy, không la hét, không phản đối thì không có hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo.

Hơn nữa, không thể buộc bị hại phải có hành vi phản kháng, vùng vẫy, giãy giụa để thoát thân khi cho rằng bị hại là người thông minh học giỏi. Thực tế, con người bình thường, có thể rất giỏi, rất thông minh trong lĩnh vực này, nhưng trong lĩnh vực khác lại rất khờ.

Vấn đề còn lại trong việc đánh giá hành vi của bị cáo là tại địa điểm đó, thời gian đó, bị cáo có xuất hiện ở đấy không, nhân chứng có chứng kiến hành vi đó không, bị hại có khai về hành vi đó của bị cáo không… để đánh giá chứ không phải là căn cứ vào nhận thức của bị hại lúc ấy thế nào.

* Trong nhiều vụ án được tố cáo bởi người thân nạn nhân thì vấn đề chứng cứ luôn là trở ngại rất lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Ông đánh giá ra sao về chứng cứ trong vụ án này?

- Tôi có đọc một câu chuyện ở Trung Quốc, hai mẹ con bé này đi thang máy, đứa bé mới bảo con đi xuống mua nước mát. Lúc sau cháu bé đi lên mà không cầm theo nước nên bà mẹ mới hỏi tại sao con không mua, bé trả lời là đi trong thang máy có ông kia dê con.

Người mẹ lập tức dắt con xuống gặp bảo vệ tòa nhà và yêu cầu xem lại camera thì hình ảnh thể hiện cho thấy có một người đàn ông có hành vi dâm ô với bé.

Ở đây, chính là có hình ảnh lưu giữ lại, còn nếu không có hình ảnh lưu giữ thì không tìm đâu ra chứng cứ, và lời của đứa bé nói sẽ chẳng được các cơ quan tố tụng tin. Đây chính là điều mà chúng ta cũng băn khoăn trong thời gian qua.

Chính vì đòi hỏi chứng cứ vật chất mà có những vụ án xâm hại trẻ em không xử được, không truy tố được vì chứng cứ yếu, trong khi thực tế tình trạng xâm hại trẻ em thì diễn ra nhiều hơn, trắng trợn hơn.

Đó là chưa kể đến sự bao che của người thân hoặc tâm lý xấu hổ mà người trong cuộc không dám đi tố cáo.

Không thể buộc bị hại phải có hành vi phản kháng, vùng vẫy, giãy giụa để thoát thân khi cho rằng bị hại là người thông minh học giỏi. Thực tế, con người bình thường, có thể rất giỏi, rất thông minh trong lĩnh vực này, nhưng trong lĩnh vực khác lại rất khờ.

Ông Quảng Đức Tuyên

Nhưng có một điều mà chúng ta quên mất, đó là bản thân trẻ em không có sẵn thù tức trong người, nó không có nhu cầu đổ oan cho ai chuyện gì. Vậy nên cần lưu ý những việc chúng kể.

Việc lời khai của trẻ em chưa thống nhất cũng có thể lý giải được là bản thân chúng ta vừa nói một câu, mà nhắc lại câu đó chắc cũng không thể chắc chắn đúng 100%. Vậy nên, khi xem xét đánh giá lời khai này thì cần xem xét ở mức độ tiệm cận nhất đối với vấn đề chúng ta quan tâm.

Tôi cũng rất thông cảm với những người tiến hành tố tụng bởi sợ oan sai, sợ bị bản án bị khiếu nại hoặc bị hủy. Nhưng chính vì vậy mà cần cẩn trọng trong xét xử, đánh giá chứng cứ để có bản án đúng người, đúng tội.

* Giả thiết ông Thủy không có hành vi dâm ô với cháu H.A. thì có đủ căn cứ để tuyên án treo với ông Thủy hay không?

- Đặt giả thiết, bị cáo Thủy chỉ có hành vi dâm ô đối với một em, không có tình tiết tăng nặng mà lại có tình tiết giảm nhẹ là tuổi cao thì căn cứ theo pháp luật và nghị quyết hướng dẫn xét xử của TAND Tối cao thì cũng không thể xử án treo được.

Tác giả: HOÀNG ĐIỆP (thực hiện)

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP