Sự kiện này mang tính lịch sử vì là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp nhau kể từ năm 2007. Sau đó, ông Kim Jong Un sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một sự kiện cũng vô cùng hiếm giữa hai nước. Kèm theo đó, Bình Nhưỡng cam kết giải trừ hạt nhân hoàn toàn và hiện tại sẽ dừng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và tên lửa.
Ảnh: CNN |
Các nỗ lực ngoại giao kể trên của Chủ tịch Triều Tiên là sự thay đổi 180 độ so với mới đây. Năm 2017, Triều Tiên vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn đối với Washington và Seoul, bằng các vụ thử vũ khí liên tiếp và đe dọa tấn công Mỹ.
Vậy điều gì đã khiến lãnh đạo Triều Tiên thay đổi ngoạn mục như vậy? CNN nêu ra 3 giả thuyết theo ý kiến của 3 chuyên gia:
Kinh tế
Giáo sư trợ giảng William Brown của trường Georgetown School of Foreign Service cho rằng, kinh tế Triều Tiên đang rất khó khăn và ông Kim Jong Un đành phải bước vào đàm phán ở thế yếu.
Với sự sụt giảm thương mại với Trung Quốc, xuất khẩu của Triều Tiên giảm 95% trong năm qua, chỉ đạt mức 9 triệu USD trong tháng 2. Nhập khẩu thu nhỏ khoảng 1/3 xuống còn 103 triệu USD - gồm hầu hết những hàng hóa không có giá trị dài hạn, không máy móc, phương tiện, ngũ cốc và các sản phẩm dầu mỏ.
Đó là số liệu chính thức mà Trung Quốc đưa ra, cho thấy tổng ngoại thương của Triều Tiên có thể đang ở mức yếu nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều.
Thực trạng này chắc chắn tạo ra áp lực lớn bên trong Triều Tiên, gây khó cho việc kiểm soát lạm phát và tín dụng nội địa, đặt nền kinh tế vào tình cảnh nguy hiểm, với rất nhiều nguy cơ từ bên ngoài.
Do vậy, ông Kim Jong Un buộc phải chấp nhận đàm phán với Seoul và Washington. Ông cũng đã thân chinh sang Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Mục đích chấp nhận đàm phán của ông là để cởi trói cấm vận đang bủa vây kinh tế Triều Tiên.
Lợi thế sức mạnh hạt nhân
Bà Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm Chính sách công và Lịch sử Triều Tiên của Quỹ Hyundai Motor-Korea, nhận định rằng ông Kim Jong Un bước ra vũ đài thế giới sau 6 năm cầm quyền là một phần chiến lược chính trị được ông tính toán kỹ lưỡng.
Sau khi củng cố sức mạnh bằng năng lực hạt nhân, lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu quan tâm tới các mối quan hệ quốc tế. Và ông bước lên vũ đài toàn cầu không chỉ như một người trẻ tuổi kế nghiệp cha mình dẫn dắt một nền kinh tế đầy khó khăn mà còn như một nhà lãnh đạo có trong tay một chương trình vũ khí hạt nhân đáng gờm.
Kim Jong Un tin rằng chương trình hạt nhân sẽ buộc các lãnh đạo nước ngoài phải đối xử với ông ngang bằng, và đưa ông đến bàn đàm phán ngang hàng với Mỹ. Việc trực tiếp gặp Tổng thống Hàn Quốc và sau đó là Tổng thống Trump sẽ mang lại cho ông chiến thắng lớn trong nước.
Tránh chiến tranh
Theo Adam Mount thuộc Dự án Vị thế Quốc phòng thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, khi Chủ tịch Triều Tiên gặp lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ, ông sẽ có một số cách để giành chiến thắng.
Kim Jong Un sẽ nỗ lực giảm bớt được cấm vận và cản trở liên minh quân sự Mỹ - Hàn trong khi đưa ra một số giới hạn có thể về chương trình hạt nhân-tên lửa.
Bình Nhưỡng có thể đã tính toàn rằng nguy cơ chiến tranh đã tăng tới mức độ khó chấp nhận nên sẽ cố xuống thang căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, người liên tục có những lời cảnh báo, phô trương sức mạnh quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ gây thiệt hại lớn cho Hàn Quốc, cho Nhật và cả các công dân Mỹ. Nhưng dẫu thế, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ phải hứng chịu những tổn thất khổng lồ. Do vậy, ông Kim Jong Un quyết định đưa ra những nhượng bộ hợp lý để Tổng thống Mỹ chấp nhận và coi đó là chiến thắng đối với cường quốc số 1 thế giới.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet