Và trong khi ngày tổ chức hội nghị đến gần, các yêu sách mà Triều Tiên đặt ra với Mỹ đang ngày càng trở nên rõ ràng đối với những người quan tâm. Tháng 11/2017, ông Kim Jong Un đã ra tuyên bố rằng Bình Nhưỡng chính thức hoàn tất các lực lượng hạt nhân, tiếp sau những thành công liên tiếp chưa từng có tiền lệ trong thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Ảnh: KCNA/Newsweek |
Bất chấp các đòn trừng phạt quốc tế gay gắt, Triều Tiên lập luận nước này phát triển vũ khí là để ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng của Mỹ, nước đã mở rộng sự hiện diện quân sự quanh bán đảo Triều Tiên, và tăng gấp đôi áp lực lên chính quyền Kim Jong Un trong thời gian vừa qua.
Mỹ vốn vẫn từ chối đối thoại với Triều Tiên trừ khi vấn đề giải trừ hạt nhân được đưa ra bàn luận. Vậy, điều gì khiến ông Kim Jong Un có thể chấp nhận chơi lá bài mạnh nhất của mình?
Tạp chí Newsweek dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Joel Wit nhận định Triều Tiên có 3 động cơ đàm phán: chính trị, kinh tế và an ninh.
Ông Joel Wit cũng chính là người đồng sáng lập dự án 38 North tại Viện Mỹ - Triều của trường Nghiên cứu quốc tế tân tiến thuộc Đại học Johns Hopkins.
"Nếu bạn hỏi một người Triều Tiên rằng họ muốn đánh đổi điều gì trong tiến trình đó, bạn cần theo dõi các bước đi chính trị, các bước đi kinh tế và các bước đi liên quan đến an ninh", ông Wit nói tại một cuộc họp báo ở trường Đại học Johns Hopkins ở Washington, D.C.
"Chẳng hạn, nếu bạn nói về các bước đi chính trị, bạn sẽ cần xem xét sự dịch chuyển hướng tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều. Nếu bạn nói đến kinh tế, rất rõ ràng là bắt đầu dỡ bỏ cấm vận. Và nếu nói đến các bước đi an ninh, thì đó là hành động hướng tới một hiệp ước hòa bình", ông nói.
Một hiệp ước hòa bình sẽ là một thành công to lớn, vì Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc – một đồng minh của Mỹ, bởi cuộc chiến Hàn – Triều năm 1950-1953 kết thúc chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
Và sau một năm diễn ra cuộc khẩu chiến gay gắt với Tổng thống Mỹ, ông Kim Jong Un đã quay sang tiếp cận Seoul, đề nghị đối thoại song phương trước Thế vận hội Mùa đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc.
Các mối quan hệ được cải thiện và hai bên đã cùng tham gia một số sự kiện, trong khi Mỹ tiếp tục tỏ ra nghi ngại. Ngoài các đòn trừng phạt gắt gao, Washington tiếp tục chủ trương gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng.
Sau cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, đoàn đại biểu Hàn Quốc do Chỉ huy an ninh quốc gia Chung Eui-yong dẫn đầu đã tới Washington gặp người đồng cấp Mỹ. Ông Chung gây bất ngờ tại một cuộc họp báo ngày 8/3 trước cửa Nhà Trắng rằng ông Kim đã mời ông Trump gặp trực tiếp. Theo ông Chung, nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ đồng ý mà còn muốn ấn định thời gian trong tháng 5.
Suzanne DiMaggio – một thành viên tại tổ chức cố vấn Nước Mỹ Mới có trụ sở ở Washington – nhận định đây là một sự kiện quan trọng, bởi nó nằm trong tay của hai nhà lãnh đạo vốn vẫn đang phải chứng tỏ bản thân là nguyên thủ thực sự. Bà cũng cho rằng, hai bên sẽ phải nỗ lực hết sức.
"Một trong những lo lắng của tôi là điều gì xảy ra nếu hội nghị không thành công. Điều gì nếu nó thất bại? Tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ làm tổn hại đến các triển vọng ngoại giao trong tương lai, có thể theo một cách không thể đảo ngược, và các lựa chọn quân sự bỗng nhiên không thể tránh được. Theo tôi đó là viễn cảnh tệ nhất, và chúng ta cần nỗ lực tránh điều đó".
"Nếu hội nghị thành công, tôi nghĩ nó có thể dẫn tới một bước đột phá lịch sử. Và quan điểm của tôi là chúng ta phải làm mọi thứ có thể để đảm bảo nó thành công", Newsweek dẫn lời bà Dimaggio.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet